Phỏng vấn việc làm
Theo một khảo cứu công nghiệp, khi bạn được phỏng vấn với một công ti bạn có xấp xỉ 50% cơ hội được thuê làm. Bạn đã được lựa trong số hàng trăm đương đơn để có được cuộc phỏng vấn. Bước tiếp là chứng tỏ rằng bạn là “người tốt nhất cho việc này” vì bạn cạnh tranh với hai hay ba ứng cử viên trong cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, nhiều sinh viên hỏng trong phỏng vấn việc làm vì họ không được chuẩn bị.
Trước bất kì cuộc phỏng vấn nào, bạn phải biết cái gì đó về công ty. Bạn phải tìm ra thông tin về công ti và bất kì cái gì liên quan tới vị trí mà bạn đang được phỏng vấn vào. Ngày nay với internet, việc tìm về một công ti qua trang web của họ dễ dàng hơn. Bạn phải biết về kinh doanh của công ti; vận hành của họ thế nào và công ti làm tốt đến đâu trong thị trường. Bạn phải biết chủ định của công ti và việc làm bạn xin vào có liên quan tới công ti thế nào để cho trong cuộc phỏng vấn bạn có thể “chứng tỏ” rằng bạn là “người tốt nhất” khớp với vị trí đó. Tưởng tượng nếu người phỏng vấn hỏi bạn: “Sao bạn muốn làm việc cho chúng tôi?” và câu trả lời của bạn là: “Tôi không biết, tôi chỉ muốn có việc làm.” Câu trả lời của ứng cử viên khác là: “Công ti của ông là công ti tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường, công ti đã thu được những hợp đồng chính với khách hàng mới và đang tăng trưởng vững chắc, và tôi muốn xây dựng nghề nghiệp với công ti vững chắc như thế này…” Đoán xem ai sẽ có được đề nghị việc làm?
Khi tới cuộc phỏng vấn, bạn phải hiểu rằng cuộc phỏng vấn bắt đầu lúc bạn vào cửa. Bạn phải cẩn thận về thái độ của bạn và cách bạn đối xử với mọi người. Nhiều sinh viên không chú ý tới chi tiết này. Một số còn đeo tai nghe iPod để nghe nhạc trong phòng chờ. Một số nói chuyện đùa với lễ tân mà không biết rằng thỉnh thoảng người quản lí hỏi ý kiến của tiếp tân về bạn. Vài năm trước, có một sự cố một phó chủ tịch là phụ nữ đã tình cờ đang lấy một gói đồ ở bàn tiếp tân. Một ứng cử viên việc làm bước vào và nói cái gì đó với bà ấy hay hỏi bà ấy cái gì đó làm xúc phạm bà ấy. Anh ta có lẽ tưởng bà ấy chỉ là người tiếp tân. Đến lúc anh ta được phỏng vấn, bà ấy vào và yêu cầu đích thân bà ấy phỏng vấn. Bạn có thể đoán điều gì sẽ xảy ra ở đó. Có nhiều lần người tiếp tân báo cáo cho người quản lí về những hành vi nào đó từ các ứng cử viên, đặc biệt những người đã không kính trọng cô ấy. Không một ứng cử viên nào sẽ có việc làm và bạn biết tại sao. Điều bạn làm, cách bạn cư xử, thậm chí ngay cả trước cuộc phỏng vấn có thể xác định liệu bạn là “người đúng” cho công ti hay không. Bạn phải hành động chuyên nghiệp và lịch sự với mọi người. Không có gì tốt hơn là mỉm cười và lịch sự “cám ơn” sau đó.
Trong cuộc phỏng vấn, bạn phải nghe cẩn thận từng câu hỏi và trả lời đúng. Tất nhiên bạn bồn chồn, mọi người đều bồn chồn trong phỏng vấn việc làm nhưng nếu bạn không hiểu câu hỏi, bạn có thể đề nghị người phỏng vấn nhắc lại câu hỏi. Một số sinh viên không lắng nghe cho kĩ và trả lời cái gì đó chẳng liên quan gì tới câu hỏi. Người phỏng vấn có thể nghĩ rằng họ cố “trốn” câu hỏi khó bằng việc đưa ra câu trả lời vô nghĩa. Cách tốt nhất là đưa ra câu trả lời chính xác, và đưa ra các ví dụ đặc biệt về việc hoàn thành và kinh nghiệm của bạn. Bạn càng đưa ra nhiều chi tiết, câu trả lời của bạn càng tốt hơn. Chẳng hạn, bạn có thể nói rằng bạn đã làm kĩ thuật đặc thù đó ở trường và giải thích nó chi tiết để chứng tỏ khả năng kĩ thuật của bạn. Bạn có thể nói rằng bạn đã học về làm việc tổ vì bạn đã thực hiện dự án Capstone với tổ gồm sáu sinh viên, rồi giải thích về hoạt động tổ v.v. Nếu bạn không biết, cứ thực thà nói vậy đi. Chẳng hạn: “Tôi có nghe nói về kĩ thuật đó nhưng giáo sư của tôi nói rằng chúng tôi sẽ học về nó khi chúng tôi đi làm vì trường chúng tôi không dạy kĩ thuật đó. Tôi tin là nếu tôi có được việc làm trong công ti các ông tôi sẽ được đào tạo về kĩ thuật đó.” ĐỪNG nói điều gì đó mà bạn không biết. Thực thà và chân thành là rất quan trọng trong phỏng vấn vì công ti đánh giá bạn nhiều về thái độ của bạn hơn là tri thức kĩ thuật của bạn. Họ biết sinh viên tốt nghiệp đại học nào chỉ có tri thức nào đó và không mong đợi bạn biết mọi thứ. ĐỪNG hành động như bạn biết mọi thứ.
Đến cuối cuộc phỏng vấn, điều thông thường là người phỏng vấn hỏi bạn liệu bạn có câu hỏi nào không. Nhiều sinh viên rơi vào cái bẫy này bằng việc trả lời “Không” vì họ không muốn hỏi câu hỏi. Tuy nhiên, điều đó có thể có nghĩa là họ KHÔNG quan tâm thảo luận cái gì thêm nữa, và đó là câu trả lời tiêu cực. Nhớ rằng bạn bao giờ cũng có những câu hỏi để hỏi người phỏng vấn. Bạn muốn nói nhiều hơn; bạn muốn chứng tỏ rằng bạn là “người đúng cho việc làm”; tôi bao giờ cũng khuyên rằng sinh viên nghĩ về một số câu hỏi để hỏi trước cuộc phỏng vấn và chuẩn bị để hỏi họ. Đó là dấu hiệu rằng bạn quan tâm tới công ti; đó là dấu hiệu rằng bạn nghiêm chỉnh với việc làm này và bạn muốn xây dựng nghề nghiệp cùng công ty. Tuy nhiên, đừng bao giờ hỏi về lương, lên lương hay quyền lợi vì điều đó sẽ được giải thích cho bạn, sau khi bạn có được đề nghị. Bạn phải hỏi về cơ hội nghề nghiệp; về phát triển chuyên nghiệp; về đào tạo thêm; về tiềm năng tương lai kiểu như “Ông coi cái gì là khía cạnh quan trọng nhất của việc làm này?” hay “Ông có thể nói thêm cho tôi về phương pháp phát triển phần mềm ở công ti của ông”, “Ông thấy gì phía trước cho công ti trong năm năm nữa kể từ nay?” hay “Có cơ hội nào trong phát triển tương lai như đào tạo thêm không?” Điều đó sẽ chứng tỏ rằng bạn quan tâm làm việc cho họ.
Mọi người đều bồn chồn trong cuộc phỏng vấn việc làm nhưng có một số người được chuẩn bị và một số người không. Bạn có thể đoán ai sẽ có được việc làm?
Tác phẩm, tác giả, nguồn
- Tác phẩm: Lời khuyên cho sinh viên
- Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
- Wiki hóa: https://kipkis.com