Phần mềm ở Trung Đông
Tôi mới dành một tuần giảng bải ở Carnegie Mellon tại Qatar rồi đi tới Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia để thăm một số sinh viên cũ. Các sinh viên tổ chức một bữa tiệc đón tôi, hơn hai mươi người trong số họ tụ tập lại và chúng tôi có nhiều thức ăn và nói chuyện vui. Đây là cơ hội cho tôi biết nhiều hơn về công nghiệp phần mềm trong vùng này cho nên tôi hỏi họ: “Công nghiệp phát triển phần mềm ở Trung Đông thế nào? Có nhiều việc làm không? Các bạn đang làm gì sau khi tốt nghiệp từ CMU và trở về nước mình?”
Một sinh viên trả lời: “Chúng tôi KHÔNG phát triển phần mềm ở đây. Công việc chính của chúng tôi là trong sản xuất dầu hoả, thương mại, và tài chính, phần mềm không phải là công nghiệp quan trọng ở đây. So với các chỗ khác trong vùng xung quanh, chúng tôi bị tụt lại trong phần mềm. Không có khuyến khích của chính phủ để hấp dẫn doanh nghiệp phần mềm kiểu như vùng thương mại tự do hay công viên công nghệ cao dành riêng cho phần mềm. Kết cấu nền hiện thời không thích hợp để hỗ trợ cho công nghiệp phần mềm. Đa số mọi người KHÔNG biết mấy về phần mềm, họ mua máy tính phần lớn để chơi game. Tất nhiên, các công ty kinh doanh dùng máy tính nhưng họ mua phần mềm từ Microsoft, Oracle, SAP hay IBM. Không có công nghiệp phần mềm "thực" ở Trung Đông nhưng chúng tôi có việc làm phần mềm, đặc biệt trong khu vực kiểm thử và hỗ trợ. Sau khi tốt nghiệp từ CMU, nhiều người trong chúng tôi trở về nhà và làm việc như người quản lí hệ thông tin. Chúng tôi không phát triển phần mềm ngoại trừ việc xây dựng vài websites, chúng tôi khoán ngoài công việc cho các nước khác.”
Sinh viên khác thêm vào: “Tuy thế, trong những năm gần đây, việc dùng công nghệ thông tin bắt đầu tăng lên với một số hoạt động phát triển nhằm vào nhu cầu địa phương. Nhiều người dùng không có kĩ năng tiếng Anh tốt nhưng phần lớn các ứng dụng được phát triển trong tiếng Anh cho nên có nhu cầu về phiên bản tiếng A rập. Dựa trên nhu cầu này, một số công ty đang cung cấp giải pháp cho vấn đề này bằng việc tạo ra các ứng dụng hỗ trợ tiếng A rập. Thành tựu chính là đưa vào phiên bản tiếng A rập của Windows và xử lí văn bản Word, các sản phẩm như vậy lập ra khung cảnh cho nền chuẩn để người phát triển có thể xây dựng trên đó. Có vài công ty nhỏ tập trung vào phát triển phần mềm cho giải pháp mạng và Internet nữa. Nhiều công ty là liên doanh với các hãng lớn, như IBM, Microsoft, SAP hay Oracle để cung cấp dịch vụ CNTT.”
Tôi hỏi: “Thế đại học và đào tạo thì sao?"
Một sinh viên đáp: “Có vài đại học trong khu vực này. Họ tất cả đều có chương trình kĩ nghệ và máy tính nhưng nhiều sinh viên ưa thích sang Mĩ hay Anh để có giáo dục tốt hơn. Ngày nay với việc mở khu trường Carnegie Mellon Qatar, sinh viên trong vùng có thể tới đó thay vì phải đi ra nước ngoài với cùng chất lượng đào tạo.”
Sinh viên khác nói với tôi: “Giáo dục là việc vẫn đang được thảo luận ở đây trong các nước A rập. Hệ thống giáo dục của chúng tôi là tốt nhưng vẫn cần được cải tiến. Chính phủ của chúng tôi đã chi nhiều tiền để xây dựng các đại học hiện đại, phòng thí nghiệm hiện đại, và thuê nhiều giáo sư tới và dạy nhưng người của chúng tôi, đặc biệt là thế hệ trẻ hơn, lại không có động cơ để học tập. Hiện thời, thất nghiệp là cao bởi vì nhiều thanh niên không có giáo dục và kĩ năng kĩ thuật để làm việc trong công nghiệp. Chính phủ của chúng tôi đã chi nhiều tiền vào đào tạo việc làm nhưng vấn đề vẫn còn đó. Trong nhiều năm, người của chúng tôi phụ thuộc vào xuất khẩu dầu hoả và nhận được thu nhập chia sẻ từ chính phủ cho nên họ không thực sự phải làm việc. Tuy nhiên, trong tương lai khi dầu hết, chúng tôi sẽ bị lâm vào vấn đề nghiêm trọng. Chính phủ của chúng tôi đã thử nhiều điều bằng việc động viên mọi người bắt đầu doanh nghiệp riêng của mình, học những kĩ năng mới, nhưng chúng tôi vẫn phụ thuộc vào công nhân nước ngoài tới làm việc cho chúng tôi. Tôi đã thấy nhiều người Ấn Độ tới đây làm việc, họ có kĩ năng tốt do động cơ mạnh của họ. Lí do là họ nghèo và giáo dục là cách duy nhất để thoát khỏi nghèo nàn còn chúng tôi có cơ hội việc làm ở đây. Nếu thầy nhìn quanh, thầy sẽ thấy nhiều việc được làm bởi các công nhân nước ngoài, từ xây nhà tới xa lộ, từ bệnh viên tới dịch vụ xã hội. Nhiều bác sĩ, y tá, người phục vụ và đầu bếp là người nước ngoài."
Tôi hỏi: “Tôi thấy nhiều xây dựng nhà cửa ở đây, có kế hoạch để làm cái gì đó không?”
Một sinh viên trả lời: “Đó là viễn kiến kinh doanh, chúng tôi có "bùng nổ nhà" vài năm trước và mọi nơi đều có những toà nhà được xây dựng. Chính phủ muốn thay đổi khu vực của chúng tôi thành thành phố toàn cầu cho thương mại và tài chính cho nên họ đầu tư nhiều vào xây dựng. Như thầy có thể thấy, chúng tôi có nhiều đất, phần lớn là sa mạc nhưng nó có thể được xây dựng thành thành phố hiện đại và chúng tôi có nhiều tiền. Vấn đề là khi chúng tôi xây nhiều toà nhà lớn và hiện đại chúng tôi phải có tri thức và kĩ năng để vận hành chúng. Với tất cả tiền đổ vào nhà cửa và kết cấu nền nhưng không có người có kĩ năng để quản lí và vận hành, tôi không chắc liệu chúng tôi có ra quyết định đúng không. Chúng ta hãy nhìn vào các chương trình khoa học máy tính, chúng tôi vẫn đang đào tạo lập trình nhưng không đào tạo kĩ nghệ phần mềm. Chúng tôi có sinh viên có thể "viết mã" nhưng KHÔNG "quản lí phần mềm". Vấn đề là chúng tôi KHÔNG cần người lập trình vì chúng tôi có công nhân từ Ấn Độ tới đây làm người lập trình, kiểm thử, và thao tác viên máy tính. Chúng ta hãy nhìn vào sách giáo khoa, chúng tôi có nhiều sách dịch sang tiếng A rập nhưng thầy có lẽ sẽ cười bởi vì có vấn đề với việc dịch. Đọc sách dịch thật buồn cười vì người dịch dịch chúng theo từng từ một mà không có nghĩa gì. Chúng tôi tất cả đều đọc sách bằng tiếng Anh."
Tôi hỏi: “Việc nói tiếng Anh ở đây có là thông thường với mọi người không?"
Một sinh viên trả lời: “Có chứ. Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai. Hầu hết các biển tên phố đều được in bằng cả chữ A rập và chữ Anh. Nhiều người nói tiếng Anh hay học nó bởi vì có nhiều môn học tiếng Anh ở trường công. Vấn đề là họ học tiếng Anh để làm gì? Nếu họ không muốn làm việc, không muốn làm kinh doanh thì tại sao họ cần nó? Điều đáng buồn là không có động cơ để học vì giáo dục không được nhiều người coi trọng."
Riêng cá nhân tôi, chuyến đi này để lại một số xúc động sâu sắc trong tâm trí tôi. Tôi rời Ấn Độ với hình ảnh về một lớp học ban đêm trong một làng nhỏ gần Hyderabad, với ba bóng đèn sáng lờ mờ để cung cấp ánh sáng cho sáu mươi học sinh trường làng học lập trình trong Java. Không có máy ính cho nên chúng học mọi thứ bằng việc viết mã trên giấy và thầy giáo sẽ kiểm tra bằng việc đi qua từng dòng mã cùng chúng. Những học sinh này nghèo và phải giúp cha mẹ chúng ở trên đồng vào thời gian ban ngày. Ban đêm, tất cả chúng đều tới trường để học máy tính với hi vọng một ngày nào đó chúng có thể có cuộc sống tốt hơn. Việc làm mơ ước của chúng là trở thành người lập trình và làm việc ở thành phố xi be Hyderabad. Tôi rời khỏi Saudi Arabia với hình ảnh khác, một thành phố hiện đại với các lớp học hiện đại nhưng tôi không thấy học sinh trong các phòng học có điều hoà nhiệt độ. Nhiều người ngủ trưa bởi vì thời tiết rất nóng nhưng họ sẽ đi ra ban đêm để chơi trò chơi máy tính với bạn bè hay tiệc tùng trong các hộp đêm.
Tôi hỏi một trong các sinh viên khi anh ta đưa tôi ra sân bay trong chiếc xe thể thao đắt tiền: “Điều gì sẽ xảy ra khi hết dầu? Điều gì sẽ xảy ra khi các công ty nước ngoài bỏ đi? Điều gì sẽ xảy ra với tất cả những toà nhà hiện đại mà các bạn đã xây dựng nhưng không có kinh doanh ở đây?” Anh ta trả lời: “Tôi không biết, chúng tôi sẽ nghĩ về cái gì đó. Tôi chắc chắn chính phủ của chúng tôi đang nghĩ về điều đó rồi.”
Englisnh version
Tác phẩm, tác giả, nguồn
- Tác phẩm: Xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu
- Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
- Wiki hóa: https://kipkis.com