Xã hội tri thức: Thế giới phẳng

Xã hội tri thức: Thế giới phẳng

Mấy hôm trước, tôi thấy một bài báo hay về công nghệ thông tin ở Nairobi, Kenya như sau: “Ở vùng nông thôn của Kenya, sinh viên tìm việc đăng quảng cáo trực tuyến phải đi khá xa tới thành phố gần nhất có Internet cafe. Điều này đã được thay đổi vào năm ngoái với việc tạo ra công ty One-World International, một hãng Kenya cung cấp dịch vụ tin nhắn qua điện thoại di động nhận đăng quảng cáo việc và cho phép các ứng cử viên nộp đơn từ bất kì chỗ nào họ đang ở. "Điều đó tương đối dễ dàng. Mọi điều bạn cần là truy nhập vào điện thoại di động" Anthony Mwaniki, người quản lí doanh nghiệp One-World International nói. "Trong vòng vài tháng, hàng trăm nghìn người bắt đầu nộp đơn xin việc qua website này và làm cho One-Word International thành một doanh nghiệp thành công và là công ty tăng trưởng nhanh nhất Kenya năm 2008.”

Tin nhắn không phải là mới, nó đã trở thành rất phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt ở châu Á, nhưng tôi đã không biết rằng nó cũng phổ biến ở châu Phi. Tôi hỏi một người bạn châu Phi và anh ta xác nhận: “Vâng, công nghệ thông tin là điều lớn lao bây giờ, đặc biệt là máy tính và kĩ nghệ phần mềm bởi vì nó là niềm hi vọng lớn nhất cho người châu Phi nghèo để có việc tốt hơn, nghề tốt hơn, và đặc biệt các cơ hội để làm việc trong văn phòng thay vì trên cánh đồng.” Anh ấy bảo tôi rằng mặc dầu điều mọi người thấy trên ti vi về chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, cuộc sống vẫn diễn ra, mọi người vẫn phải sống và giáo dục là niềm hi vọng lớn lao nhất cho mọi người châu Phi để được độc lập, được tự túc, và được chuyển từ nghèo nàn sang cách sống tốt hơn. Ngày nay hàng nghìn người châu Phi, từ mọi nước và mọi chỗ đang tụ tập trong các lớp để học máy tính, lập trình và kĩ nghệ phần mềm. Họ bắt đầu từ rất sớm và ở lại muộn bởi vì với tỉ lệ thất nghiệp trên 50% và với nội chiến bùng phát ở nhiều chỗ, niềm hi vọng duy nhất là học tập vì tương lai tốt hơn. Với internet, nhiều người có thể làm việc cho các công ty châu Âu từ làng của họ, phần lớn làm những điều cơ sở như kiểm thử và lập trình nhưng nó vẫn cứ một trăm lần tốt hơn làm việc trên cánh đồng. Với chi phí sống thấp, vài đô la có thể giúp gia đình họ sống thoải mái tốt hơn người khác. Anh ta kết luận: Với nhiều người châu Phi, toàn cầu hoá có tác dụng, “Thế giới phẳng” là tuyệt diệu.

Tôi dành ngày hôm sau để làm nghiên cứu và thấy rằng 85% các gia đình Hàn Quốc có kết nối băng rộng (Mĩ chỉ có 63%) và tương ứng theo một báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2008, Mĩ không còn ở trên đỉnh mà là Đan Mạch, Thuỵ Điển và Hàn Quốc chiếm ba vị trí hàng đầu là “quốc gia tiên tiến nhất về công nghệ.” Hệ thống xếp hạng này dựa trên việc tích hợp công nghệ vào kinh doanh, kết cầu nền và canh tân. Sự kiện đáng quan tâm khác là ở Trung Quốc, các công ty không quảng cáo việc trên báo chí mà đi thẳng vào websites. Một người bạn Trung Quốc bảo tôi: “Rao vặt trên báo chí chết rồi; chẳng ai đọc nó nữa bởi vì nó quá trễ. Nếu anh muốn đăng cái gì đó, phải mất vài ngày để nó được đăng trên báo nhưng nếu anh đưa nó lên internet, anh nhận được đáp ứng nhanh chóng. Internet đã trở thành thị trường khổng lồ cho bán và mua mọi thứ bởi vì mọi người không cần kho hàng thêm nữa. Không để tiền đầu tư vào nhà kho, họ có thể bán các thứ rẻ hơn qua website riêng của họ và vì hầu hết người Trung Quốc đều thích mặc cả, websites bán các thứ là việc kinh doanh lớn bây giờ. Một số website có cả tiếng Trung Quốc và tiếng Anh cho nên họ cũng bán mọi thứ trên khắp thế giới. Mọi người không cần đi tới Trung Quốc để mua các thức nữa. Họ có thể ở nhà, tiết kiệm tiền máy bay, dùng bàn phím mà lựa bất kì cái gì họ muốn và bấm “Mua.” Trong vòng vài ngày, họ có thể nhận được hàng hoá ở nhà. Đó là sức mạnh của kinh doanh điện tử. Tiềm năng có thị trường khổng lồ để bán mọi thứ một cách toàn cầu đang tiến hoá lên trong toàn Trung Quốc với đủ mọi thứ, từ điện thoại di động, ti vi, đồ điện tử tới đồ chơi, giầy dép, và quần áo. Ngày nay các công ty không quảng cáo trên báo giấy nữa bởi vì chỉ người già mới đọc chúng và phần lớn họ lại chẳng mua gì. Tôi nghĩ trong vòng vài năm, báo và tạp chí giấy sẽ mất thôi, thay thế bằng báo trực tuyến nhanh hơn, tốt hơn, cập nhật thông tin hơn và mọi thứ sẽ xảy ra trong “thế giới ảo.” Anh ấy cũng kết luận: Với nhiều người Trung Quốc, công nghệ thông tin là tốt, internet là kì diệu.

Cho nên thế giới thực sự đang di chuyển với tốc độ Internet. Nhiều nước đã tiến lên hàng đầu với công nghệ thông tin như điện thoại di động, Internet, băng rộng, công nghệ, ti vi số thức. Những điều này sẽ làm thay đổi cách mọi người làm việc và có thể làm cho quốc gia hiệu quả hơn và năng suất hơn. Kết quả có thể là nhiều người tìm được việc nhanh hơn, nhiều người hỗ trợ kinh doanh bằng việc xây dựng website, xây dựng ứng dụng, lập trình phần mềm thu thập thông tin cho phân tích thị trường, nhiều người hơn làm việc cho các công ty ở phần khác của thế giới, nhiều người hơn bán và mua các thứ qua internet và với nhiều người làm việc, nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng và bành trướng. Khi nhiều người có nhiều tiền để mua các thứ, nhiều sản phẩm và dịch vụ được tạo ra và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Kinh tế tăng trưởng đưa nhiều người hơn vào làm việc và vòng này sẽ tiếp tục. Khi kinh tế bành trướng, sẽ có lúc cân bằng quyền lực dịch chuyển từ người chủ sang nhân viên. Đây là lúc mà câu hỏi thay đổi từ "Làm sao tôi có thể kiếm được việc?" sang "Làm sao tôi có thể tìm ra đủ công nhân có kĩ năng?" Với nhiều thứ đi vào internet, làm kinh doanh trên internet, đọc mọi thứ trực tuyến, nhiều người có kĩ năng công nghệ thông tin lại được cần tới và việc thiếu hụt công nhân có kĩ năng sẽ bắt đầu. Tôi tin rằng thời điểm đã tới, đặc biệt cho những người có kĩ năng máy tính, mặc cho cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Cục thống kê lao động Mĩ dự đoán thiếu hụt 1 triệu người làm tính toán vào năm 2010 mặc cho sự kiện là Trung Quốc và Ấn Độ đang tạo ra trên một triệu người phần mềm mỗi năm.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này, nhiều công ty sẽ dừng chi tiêu tiền bạc, thải người, và tìm cách tốt hơn để giảm chi phí. Lúc ban đầu khi các công ty đưa người vào danh sách thất nghiệp, mọi người đều hoảng sợ và doanh nghiệp sẽ "đông cứng" hay chờ đợi xem cái gì sẽ xảy ra tiếp đó. Tuy nhiên kinh doanh vẫn phải tiếp tục, công ty vẫn phải vận hành để giữ thu nhập quay vòng và họ phải tìm cách tốt hơn để giảm chi phí. Một giải pháp là khoán ngoài nhiều hơn để giữ chi phí của họ thấp hơn để tồn tại trong thị trường chậm và hẹp. Điều này sẽ tạo ra cơ hội tốt hơn cho các công ty khoán ngoài, đặc biệt nếu chi phí của họ có tính cạnh tranh. Thay vì chờ đợi cơ hội tốt hơn hay thời kì tốt hơn, đây là cơ hội cho công ty tốt phát triển chiến lược nắm bắt tài năng giỏi nhất. Trong cuộc khủng hoảng này, thay vì nghĩ về giảm người, công ty nên duy trì những người có kĩ năng của mình bằng không đối thủ cạnh tranh có thể thuê mất họ.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu
  • Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
  • Wiki hóa: https://kipkis.com