Xã hội tri thức/1

Xã hội tri thức phần 1

Tiến bộ của công nghệ đã làm thay đổi cấu trúc kinh tế và xã hội của nhiều nước. Qua ứng dụng công nghệ thông tin, các công ty có thể làm kinh doanh bất kể nơi họ đang ở hay nơi khách hàng ở. Để tận dụng ưu thế của mô hình kinh doanh mới này, phần lớn các công ty đang tái cấu trúc lại doanh nghiệp của họ trong nhiều chức năng và lan toả chúng trên toàn thế giới để tận dụng ưu thế về chi phí lao động và công nhân tri thức. Vấn đề mấu chốt đang nổi lên từ việc tái cấu trúc này là vai trò của giáo dục và đào tạo để thành công trong nền kinh tế toàn cầu. Do việc tích hợp công nghệ vào mọi khía cạnh của doanh nghiệp, tri thức đang trở thành nhân tố quan trọng ngày càng tăng của sản xuất kinh doanh còn hơn cả đất đai, lao động và vốn.

Mô hình doanh nghiệp thế kỉ 20 dựa trên hai nguyên tắc: “Xưởng máy với dây chuyền lắp ráp chuyển động để sản xuất số lượng lớn,” và “Hệ thống quản lí lực lượng lao động vật lí lớn vận hành dây chuyền sản xuất” và sự thành công của chế tạo phụ thuộc chủ yếu vào vốn, đất, lao động và hệ thống quản lí. Tuy nhiên trong thế kỉ 21, mô hình doanh nghiệp đang thay đổi và dựa trên ba nguyên tắc: “Dùng công nghệ để tự động hoá sản xuất chế tạo,” “Hệ thống quản lí công nhân tri thức” và “Canh tân để có sản phẩm tốt hơn và nhanh hơn.” Với toàn cầu hoá, đất đai không còn bị hạn chế vào trong biên giới quốc gia bởi vì công ty có thể vận hành ở bất kì đâu cho nên đất đai thành không quan trọng nữa. Với toàn cầu hoá, công ty có thể làm kinh doanh ở mọi nơi và có thể gây vốn từ bất kì nguồn nào, không bị hạn chế bên trong hệ thống tài chính quốc gia, cho nên vốn cũng không còn là nhân tố quan trọng nữa. Vì các công ty có thể vận hành toàn cầu, không có vấn đề với lao động bởi vì họ có thể thuê bất kì người nào từ bất kì nước nào nơi họ cần cho nên lao động không còn quan trọng nữa. Với toàn cầu hoá, doanh nghiệp đang dịch chuyển từ kinh tế cục bộ sang kinh tế toàn cầu theo đó các công ty mở rộng ra toàn cầu; mở cơ sở chế tạo ở nơi chi phí doanh nghiệp là hợp lí, thuê công nhân ở bất kì chỗ nào họ cần, gây vốn từ bất kì chỗ nào có thể, nhưng doanh nghiệp sẽ đối diện với cạnh tranh lớn bởi vì thị trường mở rộng này. Nhân tố phân biệt cho thành công và thất bại là tri thức về áp dụng công nghệ vào trong doanh nghiệp để tận dụng ưu thế. Với việc toàn cầu hoá tăng lên và tái cấu trúc trong nền kinh tế thế giới, mọi công ty bây giờ đang tìm kiếm nhiều công nhân tri thức hơn và đó là lí do tại sao cộng tác giữa công nghiệp và hệ thống giáo dục lại trở thành quan trọng hơn.

Về truyền thống, giáo dục được xem như quá trình chính thức của hướng dẫn, dựa trên lí thuyết dạy học, để truyền tri thức từ giáo viên sang học sinh trong một cấu trúc chính thức của thể chế hàn lâm. Tuy nhiên, ngày nay quá trình học tập đang xuất hiện mà có hay không có thể chế hàn lâm chính thức đó, bởi vì tri thức có thể được thu nhận bằng việc dùng đa phương tiện thông tin bên ngoài trường học và đại học truyền thống. Việc học có thể xảy ra trong công ti, trong tổ chức đào tạo đặc biệt, qua các websites của các nhóm với những mối quan tâm tương tự. Trong hệ thống truyền thống, giáo dục được kiểm soát bởi giới hàn lâm và bị giới hạn vào vài người được lựa chọn, người có thể qua được các kì thi hay có thể trả tiền học phí. Tuy nhiên với toàn cầu hoá, tri thức không bị giới hạn vào vài người lựa chọn mà sẵn có cho mọi người quan tâm tới học tập. Tri thức bành trướng trên toàn thế giới, mọi người đều phải có khả năng truy nhập nhiều nhất có thể được vào loại hình học tập mới này. Tất nhiên, quan niệm này là xung đột với các thể chế hàn lâm chính thức hiện vẫn tồn tại ngày nay. Nỗi sợ việc mất kiểm soát trong giáo dục đã đặt dấu chấm hết cho nhiều nỗ lực ở các nước đang phát triển và ngăn cản họ trở thành xã hội tri thức. Theo nhiều nghiên cứu của UNESCO, để thành công trong nền kinh tế toàn cầu các nước đang phát triển phải tích cực cải tiến hệ thống giáo dục của họ theo cách "nhất quán với ưu tiên quốc gia của họ." Trong thế giới toàn cầu hoá, ưu tiên quốc gia cũng phải tính tới thay đổi nền tảng đang xuất hiện trong cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu và tạo ra những ưu tiên mới cho việc đạt tới ưu thế cạnh tranh quốc gia.

Vai trò của tri thức bên trong nền kinh tế toàn cầu đang mở ra những công nghiệp mới sử dụng nhiều công nhân tri thức như công nghệ sinh học, gen, khoa học vật liệu mới (Composite, sợi quang, công nghệ nano v.v) công nghệ thông tin, và robotic v.v Để tận dụng ưu thế của những ngành công nghiệp mới này đang làm tăng tốc tăng trưởng kinh tế đáng kể, hệ thống giáo dục sẽ cần thay đổi bởi:

1) Hội tụ vào quan niệm thực hành và sự không chắc chắn

Thách thức then chốt trong giáo dục là cách đào tạo học sinh quen thuộc với các quan niệm thực hành và tình huống không chắc chắn. Hàn lâm truyền thống hội tụ vào đào tạo qua lí thuyết - các vấn đề được làm sẵn như thi cử và giải quyết theo công thức. Điều này đưa tới cách "học thuộc lòng” mà không sáng tạo và canh tân. Do thay đổi nhanh chóng của kinh tế và công nghệ, phần lớn các vấn đề ngày nay hiếm khi được xác định rõ ràng. Nó đòi hỏi một loại công nhân khác, những người có thể phân tích vấn đề, thu thập thông tin cần thiết, và ra quyết định dựa trên thực tại không chắc chắn, phức tạp. Thay vì thi cử, trường học nên dạy nhiều hơn về “trường hợp nghiên cứu”, “giải quyết theo kịch bản” và “giáo trình lấy kể chuyện làm trung tâm” nơi học sinh có thể giải quyết “các vấn đề thực” và áp dụng quan niệm về “học qua hành” để thực tế hơn với nhu cầu công nghiệp.

2) Dùng giáo trình liên ngành xem như đối lập với giáo trình rời rạc

Giáo dục truyền thống bị chia thành các miền hàn lâm cứng nhắc, hội tụ vào các nghề rời rạc. Chẳng hạn, học sinh về nghệ thuật sẽ không học khoa học và học sinh về khoa học sẽ không học về doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc nổi lên của Xã hội thông tin và nền kinh tế toàn cầu yêu cầu cách tiếp cận khác hay “cách tiếp cận tư duy hệ thống” để phát triển “con người toàn bộ.” Vậy cách tiếp cận giáo trình liên ngành được động viên để đạt tới hiểu biết thấu đáo hơn về thực tại phức tạp mà thế giới hiện đang đối diện. Học sinh phải học nhiều về hệ thống toàn bộ, về cách từng cấu phần tương tác với nhau, sự liên thuộc giữa các miền cũng như vai trò của con người trong xã hội tri thức. Con người toàn bộ được coi như người có đạo đức, có nguyên môn, người đóng góp cho xã hội như một phần của toàn thể.

3) Nâng cao năng lực của học sinh để thu nhận tri thức mới và làm việc theo tổ

Các giáo sư hàn lâm truyền thống coi bản thân mình là "người truyền thụ tri thức” chuyển giao bài giảng, thông tin, và tri thức cho học sinh học tập năng nổ, những người có đầu óc trống rỗng chờ đợi được lấp vào. Truyền thống Hi lạp này về giáo dục là cao quí nhưng không thực tế trong xã hội ngày nay. Trong quá khứ, đã có các thầy giáo vĩ đại và học sinh vĩ đại nhưng các trường đều nhỏ và giới hạn vào những học sinh được lựa cho nên nó có tác dụng tốt. Tuy nhiên, qua thời gian việc dạy học không còn là "nghề cao quí' nữa mà là một việc làm và học sinh không tới trường bởi vì họ muốn học mà họ phải tới trường vì bị bắt buộc. Điều này tạo ra “học thuộc lòng,” “gian lận thi cử," “giải theo công thức” và quan niệm về “đúng và sai” điều thường làm chia rẽ mọi người và không khuyến khích ý nghĩa đúng của học tập.

Ngày nay, công nhân trong các công ty toàn cầu phải làm việc chặt chẽ trong các tổ. Làm việc trong tổ yêu cầu học sinh phải phát triển các kĩ năng theo tính động của nhóm, các kĩ năng thoả hiệp, thảo luận, chia sẻ, tổ chức, lãnh đạo và quản lí. Phần lớn các thể chế hàn lâm ngày nay đều được thành lập để làm điều đối lập lại, để buộc học sinh chỉ nghĩ về bản thân họ và sự phát triển cá nhân riêng của họ, còn làm việc theo nhóm bị giới hạn. Học sinh được động viên cạnh tranh chứ không cộng tác và thu hoạch cá nhân được coi là tốt hơn thành công của nhóm. Hệ thống giáo dục phải tái cấu trúc lại để nâng cao hoạt động kết mạng giữa con người. Học sinh phải học để làm việc trong tổ theo cách cộng tác vì lí tưởng cao hơn chứ không phải là học cá nhân. Các tổ toàn cầu ngày nay đang được sử dụng ngày càng tăng trong công nghiệp và công nghệ; emails, internet, điện thoại di động và hội thảo từ xa được dùng để nâng cao hiệu năng tổ với việc cấu trúc đối thoại nhóm và ra quyết định, và tạo điều kiện cho các hoạt động tập thể."

Uỷ ban kết cấu nền thông tin toàn cầu - Global Information Infrastructure Commission (GIIC), một tổ chức quốc tế, độc lập, phi chính phủ đã khuyến cáo rằng: “Toàn cầu hoá kinh tế và các nhu cầu của nó về lực lượng lao động đang yêu cầu phải có giáo dục khác để nâng cao khả năng của học sinh trong truy nhập, đánh giá, chấp nhận, và áp dụng tri thức, để nghĩ một cách độc lập, để thực hiện phán xét thích hợp và để cộng tác với người khác làm cho tình huống mới thành có nghĩa. Mục tiêu của giáo dục không còn đơn giản là truyền đạt thân tri thức, mà để dạy học sinh cách học, cách giải quyết vấn đề và là người chuyên môn có đạo đức, người có thể đóng góp vào ích lợi của xã hội.” GIIC khuyến khích mọi chính phủ áp dụng công nghệ để thúc đẩy sản xuất tri thức mới và phát tán thông tin cho học sinh. Một số trong những công nghệ này bao gồm Internet, World Wide Web, CD-ROM, và các dạng đa phương tiện. Những công nghệ mới này cho phép các giáo sư hàn lâm chuyển từ "người truyền thụ tri thức" thành vai trò của "Người hướng dẫn” và “Huấn luyện viên” người trợ giúp cho học sinh trong việc thu lấy năng lực cần để thu nhận và sử dụng tri thức hàm chứa trong các hình dạng đa dạng trên khắp thế giới.

Như đã thảo luận ở trên, nền kinh tế toàn cầu dựa trên tri thức và tri thức là nhân tố then chốt của mọi tăng trưởng kinh tế tương lai. Các ngành công nghiệp đang nổi lên đóng góp cải tiến đáng kể cho nền kinh tế với tăng trưởng cao trong sử dụng nhân công: Phần mềm, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu mới, gen, tính toán cao cấp, trí tuệ nhân tạo, robotics – tất cả đều yêu cầu rằng nhân viên phải được đào tạo cao về khoa học và công nghệ. Điều này cũng yêu cầu cách tiếp cận mới tới hệ thống quản lí bởi vì hệ thống hội tụ vào công nhân lao động vật lí không có tác dụng cho công nhân tri thức. Người quản lí phải học cách hội tụ ít vào chỉ huy, kiểm soát mà hội tụ nhiều vào khuyến khích, tạo điều kiện và khen thưởng. Vấn đề chính vẫn còn không được giải quyết là tác động của thay đổi từ cách tiếp cận hệ thống cũ sang cách tiếp cận mới. Trong việc chuyển dịch này, không phải mọi nước đều có khả năng thay đổi nhanh chóng, một số nước sẽ bị bỏ lại sau. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các nước tiên tiến tận dụng ưu thế của các nước đi chậm. Một số dây chuyền lắp ráp và sản xuất số lượng lớn sẽ được chuyển sang các nước chưa phát triển do chi phí lao động của họ thấp đi cùng các hậu quả về ô nhiễm, phế thải độc hại và tác động tiêu cực.

Theo một số nghiên cứu, điều này đã xảy ra rồi. Khi một số nước đang phát triển “Xã hội tri thức” và cải tiến hệ thống giáo dục của họ, họ thải loại các hệ thống "xưởng lạc hậu" của họ sang các nước không thích ứng với thay đổi này và dựa vào lao động vật lí của họ xem như tăng trưởng kinh tế chính. Việc chuyển ngành công nghiệp chế tạo sang các nước này sẽ phá huỷ đất đai của họ, làm ô nhiễm không khí, tác động lên sức khoẻ của người của họ và ngăn cản họ không tiến bộ thêm. Không cải tiến hệ giáo dục và hội tụ vào phát triển công nhân tri thức thì nhiều nước không thể bắt kịp được trong thế giới toàn cầu cạnh tranh cao, họ sẽ bị bỏ lại sau.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu
  • Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
  • Wiki hóa: https://kipkis.com