Việc lao động và việc tri thức

Việc lao động và việc tri thức

Tôi nhận được một email mà người gửi viết: “Nếu Robots và Trí tuệ nhân tạo đang lấy đi việc làm của con người, việc nào sẽ bị mất đi? Điều gì xảy ra nếu có ít việc làm hơn trong đất nước? Tôi lo nghĩ cho tương lai của con tôi. Xin thầy lời khuyên."

Đáp: Tôi nghĩ phần lớn các việc làm chế tạo sẽ được tự động hoá, nó đã xảy ra ở nhiều nước kể cả Trung Quốc và Ấn Độ. Theo báo cáo công nghiệp, đến 2025, đa số (75%) cơ xưởng Mĩ sẽ được tự động hoá đầy đủ. Khi tự động hoá đang xảy ra nhanh, phần lớn các việc được khoán ngoài về chế tạo sẽ bị kết thúc, và nó sẽ đẩy các nước đang phụ thuộc vào những việc làm này vào tình huống kinh tế tồi tệ. Tôi tin tiến bộ trong Trí tuệ nhân tạo cũng sẽ tác động tới công việc vận tải và hậu cần, tôi đã thấy nhiều xe tải và xe hơi tự lái trên các phố của Pittsburgh, và chẳng bao lâu chúng sẽ sẵn có để bán, điều sẽ đẩy người lái xe tải và taxi vào tình huống khó khăn. Tôi cũng nghĩ các việc hỗ trợ văn phòng (như tiếp tân, thư kí, thu ngân, bán hàng và tiếp thị) rất có thể sẽ bị thay thế bởi robots và tự động hoá như nhân viên ngân hàng bị thay thế bởi ATM. Vấn đề là ngay cả với những sự kiện này, nhiều người vẫn tin rằng việc làm của họ là an toàn và không cái gì sẽ xảy ra cho họ.

Nếu chúng ta nhìn lại cuộc cách mạng công nghiệp đã xảy ra vào đầu thế kỉ 19 và kéo dài sang thế kỉ 20, mọi người đã có thời gian để điều chỉnh từ việc làm nông nghiệp sang việc làm công nghiệp, cho nên việc chuyển tiếp đã tương đối trôi chảy. Tuy nhiên, cách mạng thông tin xảy ra với nhịp độ nhanh hơn nhiều vì công nghệ thay đổi cứ sau hai năm (Luật Moore). Công nghệ tiến bộ cho phép các công ty tự động hoá nhanh hơn, nhưng phần lớn mọi người KHÔNG có đủ thời gian để học kĩ năng mới hay tìm việc làm mới. Khi tự động hoá bành trướng nhanh chóng, nhiều người sẽ bị bỏ lại sau mà không có việc làm, không có cơ hội bắt kịp và nhiều nước sẽ bị lâm nguy.

Vì công nghệ tác động tới mọi thứ, thách thức của ngày nay là làm sao thay đổi hệ thống giáo dục nhanh chóng để hội tụ vào khoa học và công nghệ để tạo ra nhiều việc làm tri thức hơn để thay thế các việc làm lao động đang sút giảm. Chẳng hạn, xe tải và taxi tự lái không cần người lái xe nhưng vẫn cần thao tác viên kiểm soát từ xa để xử trí các tình huống khẩn cấp giao thông và người lập trình máy tính để quản lí vận hành, nhưng các công nhân này cần kĩ năng công nghệ. Bất kể công nghệ trở nên tiến bộ thế nào, nó vẫn cần người tạo ra, thiết kế, thực hiện và quản lí hệ thống tự động hoá, nhưng phần lớn việc làm này yêu cầu giáo dục cao hơn trong khoa học và công nghệ.

Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng tự động hoá sẽ gây ra thất nghiệp số đông trên khắp thế giới với các nền kinh tế không ổn định, tạo ra hỗn độn trong xã hội, hay thậm chí chiến tranh. Nhưng, nếu chúng ta nhìn lui lại trong lịch sử, chúng ta có thể học bài học tốt. Vào thế kỉ 19, đã có dự đoán ở châu Âu rằng máy sẽ phá huỷ việc làm của con người. Công nhân tầu hơi mước và công nhân dệt sợ rằng máy khâu và động cơ hơi nước có thể phá huỷ việc kiếm sống của họ. Họ biểu tình và đốt bất kì công ty dệt hay tầu hơi nước nào dùng máy. Phần lớn những người chủ công ty đều trốn sang Mĩ và bắt đầu công ty của họ ở đó và đóng góp cho việc phát triển xã hội công nghiệp mới và cuối cùng làm cho đất nước này thành một cường quốc.

Có nhiều ví dụ lịch sử về cách mạng công nghiệp ở Mĩ, nhưng tất cả đã bắt đầu bằng giáo dục. Trong thời gian đó, Mĩ vẫn là nước chưa phát triển nơi nông nghiệp là ngành công nghiệp chính, nhưng khi nhiều công ty châu Âu chuyển tới đây để thành lập cơ xưởng tự động của họ, họ cần công nhân có kĩ năng. Để làm điều đó những người chủ công ty đã sẵn lòng đầu tư vào giáo dục, và nhiều đại học đã được tạo ra để đáp ứng nhu cầu này. Phần lớn những người tốt nghiệp đều được đào tạo về cách làm việc với máy móc thay vì chống lại máy. Công nhân học vận hành máy để tăng năng suất và làm thêm giờ; dây chuyền lắp ráp được tạo ra để giữ các cơ xưởng vận hành trôi chảy. Điều này làm cho năng suất tăng một cách bùng nổ. Theo tài liệu lịch sử, trong thời kì đầu của thế kỉ 20, khối lượng sản phẩm được tạo ra ở Mĩ rẻ hơn và tốt hơn 50 lần khi so với châu Âu. Khi xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu tăng gấp bốn, việc này đẩy nhiều cơ xưởng châu Âu ra khỏi kinh doanh và tạo ra thất nghiệp cao ở nhiều nước. Nhiều biến cố chính trị đã xảy ra sau đó đưa tới thế chiến 1.

Vào những năm 1970 sau khi đưa ra máy tính cá nhân, tự động hoá bắt đầu bành trướng sang nhiều công việc văn phòng điều làm tăng năng suất và hiệu quả. Nhiều công việc văn phòng như đánh máy, thư kí, vận hành phòng thư đã mất đi, nhưng công nghệ máy tính đã tạo ra những việc làm mới như người lập trình máy tính, người phát triển phần mềm, và chuyên viên mạng v.v. Khi nhiều kiến trúc sư, nghệ sĩ, hoạ sĩ dùng máy tính cho công việc của họ, họ đã tạo ra nhu cầu mới về người thiết kế đồ hoạ, người phát triển web, và người thiết kế có máy tính hỗ trợ. Hiệu quả là nhiều việc làm máy tính đã được tạo ra bên trong xã hội, nhưng nó yêu cầu giáo dục cao hơn để thay thế công việc thủ công vốn yêu cầu ít giáo dục. Nói cách khác, Khoa học và công nghệ phân bố lại việc làm thay vì thải việc làm bằng việc yêu cầu công nhân có giáo dục cao hơn và kĩ năng tốt hơn. Tôi tin tiến bộ của Trí tuệ nhân tạo và Học máy sẽ phá huỷ nhiều việc làm nhưng cũng tạo ra những việc làm mới, nhưng những việc làm mới này yêu cầu bằng cấp giáo dục cao hơn. Chẳng hạn, phần mềm Big data có thể thu thập và phân tích hàng triệu bản ghi và tệp, điều làm giảm số thư kí và người phân tích nhưng cần nhà khoa học dữ liệu để viết các thuật toán phức tạp.

Tôi tin nếu chúng ta nhìn vào số việc làm bị mất do tự động hoá, chúng ta sẽ sợ hãi. Nhưng chúng ta cần nhìn vào số việc làm mới được tạo ra để giữ cái nhìn cân bằng. Khoa học và công nghệ sẽ thay đổi bản chất công việc; phần lớn công việc lao động sẽ bị thay thế bởi công việc tri thức. Câu hỏi là: Hệ thống giáo dục có thể thay đổi đủ nhanh để phát triển công nhân tri thức đáp ứng cho nhu cầu mới không? Những người lãnh đạo đất nước có thấy đủ xa để lãnh đạo đất nước hướng tới tương lai không? Thanh niên có sẵn lòng thay đổi thói quen học tập của họ từ ghi nhớ sự kiện sang là người học chủ động và học cả đời để họ có thể đóng góp cho xã hội không?

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu
  • Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
  • Wiki hóa: https://kipkis.com