Nhu cầu công nghiệp
Ngày nay, doanh nghiệp phức tạp hơn và yêu cầu thông tin có ý nghĩa để giúp cấp quản lí ra quyết định. Để đáp ứng với những thay đổi, công nghệ thông tin (CNTT) được sử dụng để tiến hành thu thập dữ liệu, phân tích thông tin để giúp qui trình ra quyết định và tăng năng lực cạnh tranh của công ty. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây của chính phủ Mĩ, kĩ năng của hầu hết những người quản lí Công nghệ thông tin (CNTT) đang tụt xuống không bắt kịp với bản chất thay đổi của ngành công nghiệp này. Phần lớn người quản lí CNTT được đào tạo theo cơ cấu truyền thống, nơi mọi công việc đều được làm trong cơ quan bởi các cán bộ CNTT nhưng ngày nay do toàn cầu hoá, công việc được thực hiện bằng cách trộn lẫn cán bộ cơ hữu, cán bộ hợp đồng, người tư vấn, và công nhân hải ngoại. Loại phát triển toàn cầu này yêu cầu các kĩ năng và đào tạo khác. Nghiên cứu này kết luận rằng: “Năng lực quản lí CNTT là điểm yếu chính trong hầu hết các công ty toàn cầu. Nhiều người quản lí làm lãng phí tài nguyên lớn nhưng vẫn không làm cho mọi sự theo cách đúng và hậu quả là họ không thể giải quyết được vấn đề cho công ty.”
Lí do đơn giản: Trong quá khứ, phần lớn nhóm CNTT chỉ bao gồm những người kĩ thuật và phần lớn những người quản lí cũng xuất thân từ phía kĩ thuật nhưng ngày nay nhu cầu không chỉ là kĩ thuật mà còn cả nghiệp vụ. Với những việc yêu cầu liên hệ với khách hàng, nhiều công ty đang thuê những người có tri thức chuyên gia về quản lí dự án, phân tích qui trình doanh nghiệp, quản lí dịch vụ, và quản lí nhà cung cấp. Những kĩ năng này hiện thời KHÔNG được dạy trong chương trình Khoa học máy tính hay Kĩ nghệ phần mềm. Theo nghiên cứu này, ngày nay phần lớn các công ty đều cần liên hệ khách hàng nhiều hơn trước đây vì họ đang chuyển nhanh chóng vào làm kinh doanh toàn cầu cho nên có nhu cầu lớn về những kĩ năng CNTT đặc biệt này.
Bởi vì thiếu hụt người có kĩ năng, phần lớn các công ty toàn cầu đều rất mong muốn kiếm những công nhân có cả kĩ năng kĩ thuật và doanh nghiệp, những người hiểu được cách giám sát thực thi nghiệp vụ và nhanh chóng ra quyết định để giải quyết vấn đề của khách hàng. Giải quyết vấn đề là kĩ năng quan trọng nhất vì nó thường bao gồm việc ra quyết định và những người chần chừ khi họ phải ra quyết định hay lưỡng lực trong chọn lựa giữa các giải pháp thường làm cho công ty bị lâm vào rắc rối. Có câu ngạn ngữ cổ: “Người đứng giữa đường sẽ bị xe chẹt chết.” Nếu bạn muốn là người quản lí hệ thông tin giỏi, bạn phải học cách ra quyết định. Việc ra quyết định tốt yêu cầu trộn lẫn các kĩ năng: nhận diện vấn đề và các tuỳ chọn, làm sáng tỏ các đánh giá, chắc chắn về quyết định, và thực hiện hiệu quả. Người quản lí CNTT giỏi phải biết cách nhận diện và làm sáng tỏ các vấn đề bằng việc hỏi vấn đề là gì? Nó có đảm bảo hành động không? Nếu có, khi nào? Nếu vấn đề là khẩn thiết, người đó phải thu thập mọi sự kiện và hiểu nguyên nhân của chúng và nghĩ về các tuỳ chọn và giải pháp có thể. Người đó phải xem xét và so sánh các hậu quả tích cực và tiêu cực của từng tuỳ chọn và lựa chọn tuỳ chọn tốt nhất để thực hiện. Trước khi việc thực hiện bắt đầu, người đó phải có khả năng giải thích về quyết định của mình cho những người có liên quan và bị ảnh hưởng, và giám sát việc thực hiện để đảm bảo việc thực hiện đúng và có hiệu quả.
Kết quả là, ngày nay việc tuyển người vào CNTT đã dịch chuyển từ thuê người kĩ thuật sang thuê người có tổ hợp cả kĩ năng doanh nghiệp và kĩ thuật, đặc biệt là những người hiểu các thiết kế và quản lí dịch vụ vì phần mềm đã chuyển nhanh chóng từ phát triển sản phẩm sang cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Không may là vẫn chỉ có một số giới hạn những người có thể làm được cả hai điều này. Càng ngày việc thuê người CNTT mới càng được đem tới từ phía doanh nghiệp và đào tạo lại về kĩ thuật. Một số công ty thấy dễ dạy kĩ năng công nghệ cho người nghiệp vụ hơn là dạy nghiệp vụ cho người kĩ thuật. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, tuỳ theo đào tạo, nhiều người nghiệp vụ có thể không quan tâm tới khía cạnh kĩ thuật hay có thể không có tri thức sâu để ra quyết định đúng.
Giải pháp là cộng tác với các đại học để đi tới một giáo trình có cả hai cảnh quan. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất trong hệ thống giáo dục truyền thống là thiếu tính liên ngành giữa các khoa. Các chương trình như Khoa học máy tính, Kĩ nghệ phần mềm bị tách rời khỏi chương trình như Quản trị kinh doanh, tài chính hay quản lí. Các giáo sư thường KHÔNG được đào tạo trong việc tích hợp hai lĩnh vực này cho nên KHÔNG dễ đi tới một chương trình thoả mãn nhu cầu công nghiệp hiện thời. Trong khi công nghệp vẫn đang tìm những người có kĩ năng với kĩ năng đặc biệt, những người hàn lâm truyền thống có thể không hăng hái mấy để hỗ trợ cho nhu cầu đó và sự thiếu hụt người có kĩ năng sẽ vẫn còn trong nhiều năm tới.
Tác phẩm, tác giả, nguồn
- Tác phẩm: Xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu
- Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
- Wiki hóa: https://kipkis.com