Người lãnh đạo toàn cầu
Toàn cầu hoá nghĩa là nhiều cơ hội kinh doanh hơn và nhiều cạnh tranh hơn trước đây. Thị trường mới sẵn có cho mọi công ty nhưng những kẻ cạnh tranh mới đang nổi lên từ mọi ngóc ngách trên thế giới. Nhiệm vụ thách thức nhất ngày nay là phát triển quyền lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu bao la và phức tạp này bởi vì huấn luyện quản lí truyền thống không còn có tác dụng nữa. Các công ty đầu tư vào phát triển quyền lãnh đạo toàn cầu sẽ thấy nhiều cơ hội hơn và thực hiện tốt hơn, trong khi các công ty không làm như vậy phải đối diện với nhiều rủi ro và thất bại tiềm năng. Để bắt đầu doanh nghiệp toàn cầu, các công ty cần "tên nhãn hiệu" mạnh bởi vì khi mọi người có nhiều chọn lựa hơn, họ sẽ mua "tên nhãn hiệu" thay vì "nhãn hiệu vô danh." Bằng việc có tên nhãn hiệu mạnh, công ty có thể thuê người hàng đầu bởi vì người có kĩ năng muốn làm việc với những công ty có tiếng được trọng vọng. Các công ty đầu tư vào phát triển nhãn hiệu toàn cầu mạnh tận hưởng những cơ hội tốt hơn để thuê những ứng cử viên có kinh nghiệm toàn cầu. Chẳng hạn, các công ty như Toyota, Honda, IBM, Microsoft, Google, Intel, Nokia hay Samsung sẽ không gặp mấy vấn đề trong phát triển quản lí lãnh đạo toàn cầu. Với toàn cầu hoá, thế giới là một thị trường; các công ty có người lãnh đạo mạnh có thể thay đổi phương trình cạnh tranh sang hướng của họ bởi vì người lãnh đạo toàn cầu có kĩ năng cao không chỉ biết phong tục và văn hoá của vùng công ty vận hành, mà họ cũng hiểu các vấn đề làm kinh doanh trong các miền đó.
Câu hỏi ở đây là bạn tìm đâu ra người lãnh đạo toàn cầu? Câu trả lời là ở đại học hàng đầu. Phần lớn các đại học hàng đầu đều không dạy “lí thuyết” và “tri thức sách vở” mà dạy tri thức thực tế có thể được dùng, được áp dụng có kết quả tốt. Nếu bạn nhìn vào đa số người lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới ngày nay, có lẽ bạn sẽ thấy trên 90% trong số họ đều học từ các đại học hàng đầu và nhiều đại học hàng đầu là các trường tư. Danh sách mười trường hàng đầu của Mĩ có tám đại học tư. Danh sách 100 trường hàng đầu toàn cầu có 87 đại học tư. Tại sao các trường tư lại làm tốt hơn? Bởi vì họ rất có tính đáp ứng với nhu cầu thị trường hơn là dựa vào hỗ trợ của chính phủ. Các trường tư bao giờ cũng điều chỉnh giáo trình của họ dựa trên nhu cầu công nghiệp để có được ngân quĩ từ công nghiệp. Với nhiều ngân quĩ hơn, họ có thể thuê được giáo sư giỏi hơn, xây dựng các phòng thí nghiệm tốt hơn, có nhiều nghiên cứu hơn, và tuyển các sinh viên hàng đầu. Để tôi cho bạn một ví dụ, vài năm trước, các công ty ô tô Nhật Bản bắt đầu làm ô tô ở Mĩ. Các công ty Nhật Bản truyền thống đem từ cách quản lí riêng của họ tới các tiện nghi chế tạo để vận hành nó theo cùng cách họ đã từng thành công ở Nhật Bản nhưng Honda đã không làm điều đó. Họ bắt đầu chương trình tuyển mộ ở các đại học hàng đầu của Mĩ và lựa chọn những tài năng giỏi nhất để quản lí nhà máy của họ ở Mĩ. Triết lí của họ là “lập kế hoạch toàn cầu nhưng hành động cục bộ” cho nên họ dựa vào người biết phong tục và văn hoá cả nước mà họ hoạt động thay vì người riêng của họ. Kết quả là Honda đã là công ty nước ngoài thành công nhất ở Mĩ cho dù nó nhỏ hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh Toyota. Honda cũng chuyển những người lãnh đạo toàn cầu đó từ nhà máy của họ trên khắp thế giới trở về Nhật Bản cho nên họ có thể giúp mọi người ở đó hiểu về lãnh đạo toàn cầu. Việc học “văn hoá chéo” này đã giúp cho Honda rất thành công trong mọi khía cạnh của kinh doanh toàn cầu bởi vì họ biết cách đầu tư vào phát triển những người lãnh đạo.
Với nhiều người, từ “toàn cầu hoá” nghĩa là “chi phí thấp” và “cạnh tranh cao” nhưng thực tế tiềm năng của toàn cầu hoá không chỉ về chi phí, cạnh tranh mà còn về quyền lãnh đạo. Người lãnh đạo toàn cầu phải hiểu tiềm năng của mọi người bên trong doanh nghiệp của họ dựa trên tầm nhìn của họ về cách làm kinh doanh mới tương ứng với thị trường địa phương. Họ phải biết cách thúc bẩy những cơ hội phụ bằng việc tìm những tài năng mới nổi lên từ vị trí mới qua thời gian. Thuê công nhân khắp thế giới không phải là vấn đề, nhưng tìm ra người quản lí có kĩ năng lại rất khó và tốn kém. Tất nhiên, công ty có thể thuê hàng nghìn lao động không có kĩ năng hay sinh viên mới tốt nghiệp không có kinh nghiệm ở các nước đang phát triển vì rẻ hơn nhiều so với ở New York hay London, nhưng người lãnh đạo tiềm năng, có giáo dục, được huấn luyện cao, có kinh nghiệm với phong tục và văn hoá địa phương thì không dễ tìm được. Lãnh đạo kém hay quản lí tồi ở bất kì mức nào cũng đều có thể là tai hoạ. Một khi công ty trở thành toàn cầu, những thất bại như vậy có thể làm cho thành công trở thành không thể được và khi một công ty toàn cầu thất bại, nó thường không có cơ hội thứ hai. Theo nghiên cứu mới nhất, hơn 70 phần trăm nước đi toàn cầu hoàn toàn thất bại, và chỉ 17 phần trăm các công ty đạt tới tăng trưởng toàn cầu sinh lời. Nhiều thất bại toàn cầu đã được công bố rộng rãi có thể được dõi ngược về việc ra quyết định sai của cấp điều hành. Không hiểu văn hoá và ngôn ngữ, đã có nhiều sai lầm như khi Chevrolet đưa xe ô tô bán chạy nhất ở Mĩ của họ “Chevy Nova” vào Nam Phi, họ ngạc nhiên rằng họ không có người mua cho dù sau khi đã chi nhiều tiền quảng cáo. Sau vài tháng, họ biết rằng từ “Nova” trong tiến Tây Ban Nha nghĩa là “Không chạy” và ai đi mua xe không chạy. Cùng điều đó xảy ra ở Trung Quốc khi công ty thức ăn nhanh nổi tiếng KFC dùng việc quảng cáo nổi tiếng ở Mĩ “Ngón tay liếm ngon” (Người thích ăn thức ăn thì ngay cả khi họ ăn xong, họ còn liếm ngón tay của mình) nhưng ở Trung Quốc điều đó có nghĩa là “Mọi người ăn luôn ngón tay của mình” cho nên ai sẽ mua cái gì đó làm cho bạn ăn ngón tay của mình? Công ty Mĩ thành công “Home Depot” phải bán các kho của nó ở Argentina và Chile năm 2001 sau khi dân địa phương phản đối thái độ ngạo mạn chung của họ. Va chạm văn hoá cũng làm cho nhiều công ty Mĩ thành công phải vật lộn ở châu Âu, đặc biệt ở Đức và Pháp. Ngay cả ngày nay, thất bại dưới dạng mất cơ hội do dốt nát về văn hoá và phong tục địa phương cũng xuất hiện hàng ngày trên khắp thế giới. Hơn bao giờ hết, nhu cầu có người lãnh đạo toàn cầu giòi từ các miền địa phương nơi công ty toàn cầu muốn làm kinh doanh đang trở nên gay cấn. Theo một báo cáo của đại học Harvard, việc tuyển người lãnh đạo toàn cầu ở thị trường địa phương là mạnh mẽ nhất cho dù suy giảm kinh tế và mọi công ty toàn cầu đều đang nỗ lực tìm người lãnh đạo địa phương giỏi. Các câu hỏi mà những công ty toàn cầu này hỏi là: Họ có thể tìm người quản lí địa phương ở đâu? Các đại học địa phương có chương trình đào tạo tốt để phát triển những người lãnh đạo như vậy không?
Ngày nay các công ty toàn cầu có thể xây dựng nhà máy ở bất kì nơi nào, bất kì lúc nào bởi vì họ biết cách, nhưng thách thức nhất của họ là có người lãnh đạo toàn cầu, người có thể làm cho đầu tư của họ sinh lời. Yêu cầu điển hình về người lãnh đạo toàn cầu là: có khả năng duy trì chiều hướng và động cơ rõ ràng trong tổ và lực lượng lao động đang tăng sự đa dạng; quen thuộc với các qui chế toàn cầu và địa phương để đảm bảo vận hành không ngừng qua các biên giới địa lí. Có khả năng tạo ra và vận hành chiến lược doanh nghiệp linh hoạt bởi vì không phải mọi mô hình doanh nghiệp đều có thể chuyển qua các biên giới văn hoá và kinh tế. Một chiến lược toàn cầu tốt phải cân bằng kinh doanh cốt lõi của nó với văn hoá và phong tục duy nhất của nước, vùng hay thị trường sở tại. Có tri thức mạnh về công nghệ thông tin, đặc biệt về quản lí dự án, quản lí tập các dự án, và quản lí rủi ro. Có khả năng tích hợp chiến lược công nghệ vào chiến lược kinh doanh để đảm bảo rằng ứng dụng của công nghệ thông tin hỗ trợ và tạo khả năng cho doanh nghiệp. Có kĩ năng tạo ra kế hoạch liên tục nghiệp vụ và phục hồi thảm hoạ tự nhiên, hiểu tin tức nghiệp vụ, khai phá dữ liệu và áp dụng phân tích dữ liệu cho quản lí tri thức. Đây là những kĩ năng mà người quản lí nội địa có thể không gặp phải nhưng người quản lí toàn cầu cần đào tạo đặc biệt. Tuy nhiên, việc đào tạo này chỉ được dạy trong vài trường đại học hàng đầu và một trong các nơi đào tạo nổi tiếng cho sinh viên đại học trong lĩnh vực này là chương trình quản lí hệ thông tin tại Đại học Carnegie Mellon.
Tác phẩm, tác giả, nguồn
- Tác phẩm: Xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu
- Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
- Wiki hóa: https://kipkis.com