Bài học lịch sử
Lịch sử cho chúng ta biết rằng một nước càng có thể hành động nhanh chóng để vượt qua các hoàn cảnh kinh tế bất lợi, nước đó càng có thể làm việc theo cách của mình để vượt qua khủng hoảng và nổi lên càng mạnh hơn khi kinh tế phục hồi. Sau Thế chiến 2, cả Đức và Nhật Bản đều bị suy sụp kinh tế rất lớn, bên cạnh nỗi nhục thất bại; họ phải xây dựng lại nền kinh tế của mình và giúp dân họ quay lại làm việc. Đã có nhiều sách viết về thời kì này nhưng hầu hết đều tập trung vào chương trình viện trợ kinh tế để khôi phục hậu chiến nơi mà Mĩ cung cấp sự trợ giúp cho vay ($13 tỉ đô la) để hỗ trợ cho các nước này nhưng các sách đó lại không nhắc tới nỗ lực của Đức và Nhật Bản để vượt qua các chướng ngại của họ và tạo ra “Phép màu kinh tế hậu chiến.”
Mặc dầu sự trợ giúp tiền tệ từ Mĩ là cần, chính phủ Đức và Nhật Bản dựa nhiều hơn vào "kế hoạch can thiệp kinh tế" của riêng họ, điều hội tụ vào hai miền then chốt: Cải tiến hệ thống giáo dục và tổ chức cộng tác giữa các nhà chế tạo, nhà cung cấp và ngân hàng để cải tiến kinh tế. Chính phủ của cả hai nước đã xây dựng lại các nhà máy chế tạo của họ bằng việc ưu tiên công nghệ nào là quan trọng cần nhập khẩu vì khoản tiền vay của họ có giới hạn. Người trong chính phủ trực tiếp thương lượng về giá cả và điều kiện của công nghệ nhập để đảm bảo rằng họ có được thoả thuận mua bán tốt nhất có thể được. Bằng việc chỉ tập trung vào miền được lựa chọn, họ cho phép nền kinh tế của mình tăng trưởng trong những ngành công nghiệp sinh lời nhất như ô tô, thép, dược phẩm và viễn thông. Năng suất chế tạo được cải tiến qua việc dùng trang thiết bị mới, tiện nghi mới, cách quản lí mới, và chuẩn hoá qui trình. Đồng thời, cả hai chính phủ đều hội tụ vào cải tiến hệ thống giáo dục của họ, đặc biệt là giáo trình đào tạo cao hơn, để tập trung vào vài miền được lựa: y học, thương mại, luật pháp, kinh tế và kĩ nghệ. Lại bằng việc hội tụ vào vài miền, họ đã nhanh chóng phát triển những người có kĩ năng để hỗ trợ nhu cầu công nghiệp của nền kinh tế đang tăng trưởng của họ. Đặc biệt ở Nhật, hệ thống giáo dục được cải thiện vẫn duy trì ý tưởng truyền thống rằng giáo dục được đánh giá cao và được theo đuổi một cách nghiêm túc với những thực hành đạo đức và luân lí được tích hợp đầy đủ vào phần trung tâm của hệ thống. Mặc cho thay đổi và sức ép ngoại quốc, người Nhật vẫn có khả năng duy trì triết lí của thời Minh Trị rằng một số thực hành truyền thống (đạo đức & luân lí) cần được bảo tồn khi thích ứng các tư tưởng và phương pháp nước ngoài vào hệ thống giáo dục của họ. Tôi tin rằng trí huệ này thực tế đã giúp biến đổi nước Nhật thành một xã hội hiện đại với tăng trưởng kinh tế nhanh trong suốt các năm 60, 70 và 80. Năm 1965, GDP của Nhật là 90 tỉ đô la nhưng năm 1985 nó đã soải cánh bay lên 2.5 nghìn tỉ đô la. Khi cả các miền giáo dục và chế tạo được cải tiến, bắt đầu từ năm 1970 chính phủ bắt đầu đầu tư vào kết cấu nền bằng việc xây dựng đường cao tốc, đường cái, đường, cầu, sân bay và đập, dùng các công ty riêng của mình do người của mình quản lí, thay vì dựa vào các công ty nước ngoài và tri thức chuyên gia của họ. Tôi cũng coi nước đi này là rất tài giỏi bởi vì tự túc là nhân tố then chốt cho bất kì quốc gia đang phát triển nào muốn đi lên mức tiếp.
Tầm nhìn rằng các nước đang phát triển có thể bắt kịp các nước đã phát triển có thể được thấy trong cuốn sách “Con ngỗng bay” của Kaname Akamatsu xuất bản năm 1962, tại đó tác giả đã tiên đoán rằng các nước châu Á sẽ có khả năng bắt kịp các nước phương Tây như một phần của quá trình mà việc chế tạo sản phẩm sẽ tiếp tục chuyển từ các nước tiên tiến hơn sang các nước ít tiên tiến hơn. Tác giả đã nêu ra điểm là hệ thống giáo dục có tiếng về truyền thống giống như nhiên liệu và động cơ của sinh viên châu Á giống như lửa làm cho phép màu kinh tế xảy ra nhanh chóng. Ông ấy đã dùng hình mẫu con ngỗng bay theo hình chữ V trên bầu trời với Nhật là người lãnh đạo và tin rằng Nhật sẽ bán sản phẩm cho các nước khác trên khắp thế giới bởi vì Nhật có cả "dầu và lửa.” Trí huệ của ông ấy là rất tiên tiến vào thời đó (1962) nhưng nhiều người cười ông ấy và rầy la ông ấy là “tay mơ yêu nước ngu xuẩn” nhưng khi thời gian thay đổi chúng ta có thể ngưỡng mộ tầm nhìn của ông ấy khi mọi sự bắt đầu xảy ra.
Vào ngày đầu của hậu chiến, các nước đã phát triển đã có vị trí chi phối trong hầu hết thương mại toàn cầu nhưng cuối cùng các nước đang phát triển đã tiến lên và chiếm lĩnh nhiều thị trường, cạnh tranh với các nước đã đứng vững. Ta hãy nhìn vào một số sự kiện: từ 1965 tới 1980, Mĩ và châu Âu đã chi phối công nghiệp bán dẫn nhưng bắt đầu năm 1982, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan nhanh chóng nắm lấy ngành công nghiệp này và bây giờ nắm 92% thị trường. Ngày nay, Trung Quốc đang đầu tư nặng vào ngành công nghiệp này và có thể là một đối thủ cạnh tranh chính. Từ 1940 tới 1990, Mĩ chi phối ngành công nghiệp ô tô cho tới năm 1980 lúc Nhật Bản vào thị trường này và cuối cùng cạnh tranh thẳng với các nhà làm ô tô Mĩ bằng việc có xe thiết kế và chất lượng tốt hơn. Năm 2005 Toyota đánh bại General Motor, Ford và Chrysler và trở thành nhà chế tạo ô tô lớn nhất trên thế giới. Từ 1990 phần lớn đồ điện tử (ti vi, máy nghe nhạc nổi, điện thoại v.v.) và các sản phẩm chế tạo giá thấp (dệt, giầy, đồ chơi v.v.) do Trung Quốc chi phối và bắt đầu từ năm 2001, hầu hết công việc và dịch vụ tri thức như Công nghệ thông tin đã bị Ấn Độ chi phối.
Điều gì đã xảy ra cho các nước đã phát triển và tại sao họ để điều đó xảy ra? Câu trả lời là đơn giản: Tự mãn. Với thành công và vị trí chi phối, nhiều nước đã phát triển trở nên ngạo mạn và đã không chú ý tới các đối thủ cạnh tranh của họ. Nhiều nước thậm chí đã không có chiến lược trong thị trường năng động và cạnh tranh cao này. Khi giá dầu tăng dần, các nhà làm ô tô Mĩ vẫn làm những chiếc xe lớn tiêu thụ nhiều xăng trong khi người làm xe Nhật đã hiểu rằng thị trường đã thay đổi và mọi người muốn xe tiêu thu xăng tốt hơn. Trong ngành công nghiệp công nghệ cao, các công ty bán dẫn sinh lời cao nhưng họ đã không đầu tư vào chế tạo của mình để có hiệu quả cao hơn, việc thiếu các kế hoạch dài hạn đã cung cấp cơ hội cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cải tiến tiện nghi chế tạo của họ và sản xuất lớn các sản phẩm tốt hơn với một phần giá. Trước năm 1992, 95% linh kiện trong máy tính cá nhân được chế tạo tại Mĩ nhưng ngày nay 98% số đó đã được làm ở đâu đó khác, chỉ linh kiện CPU là vẫn được làm ở Mĩ. Các ví dụ tương tự có thể được thấy trong hầu hết mọi khu vực trong công nghiệp. Theo các nghiên cứu của chính phủ Mĩ năm 2008, trong 25 năm qua, các nước đã phát triển đã mất 70% thị phần đồ dân dụng, công cụ máy, dệt, bán dẫn, thiết bị xây dựng và thiết bị y tế. Trong mười năm qua, Mĩ đã đi từ quốc gia tín dụng lớn nhất thế giới sang thành quốc gia mang nợ lớn nhất thế giới với 65% tổng nợ được bỏ vốn bởi Trung Quốc và Nhật Bản. Với toàn cầu hoá, các lực kinh tế mạnh đang vẽ lại bản đồ thế giới với thay đổi theo hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI- foreign direct investment) và bây giờ nó là “FDI đảo ngược”, như được quan sát trong các quĩ của cải toàn quyền của thị trường đang nổi lên (quĩ đầu tư sở hữu nhà nước) để bảo lãnh cho hệ thống tài chính Mĩ trong cuộc khủng hoảng tài chính này. Nhiều ngân quĩ tới từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Với toàn cầu hoá, nước nhanh hơn có thể thay đổi tốt hơn vị thế của bản thân mình. Lực kinh tế truyền thống là vốn (Càng nhiều tiền càng tốt) nhưng bây giờ lực kinh tế chính là chiến lược, canh tân, và lực lượng lao động có kĩ năng (Càng canh tân nhanh càng tốt). Tuy nhiên, canh tân cần chiến lược và người thực hiện cho nên phương trình kinh tế đã thay đổi từ hội tụ vào vốn (tiền) sang hội tụ vào người có kĩ năng (công nhân tri thức). Những lực mới này đã làm thay đổi sự cân bằng của thị trường toàn cầu nhưng các nước đang phát triển nào mà không hiểu phương trình mới này có thể bỏ lỡ "cơ hội vàng.” Tại sao lại hội tụ vào con người? Ở các nước đã phát triển, có một số dòng chảy ngầm làm thay đổi căn bản cấu trúc xã hội và kinh tế: Dân chúng già đi và giảm tỉ lệ sinh. Với đa số công nhân đạt tới ngưỡng về hưu và không có lực lượng lao động trẻ hơn thay thế họ, nhiều nước sẽ không có khả năng giữ cho nền kinh tế của mình vận hành toàn lực được. Để làm giảm rủi ro này, các nước đã phát triển đang mở cửa biên giới của họ và tích cực mời các công nhân có kĩ năng tới làm việc trong nước họ. Ví dụ có ý nghĩa nhất là Nhật Bản, mà về truyền thống đã từng là một xã hội đóng. Bắt đầu từ năm 1998 chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu mời những di dân có kĩ năng tới, hầu hết từ Trung Quốc, bởi vì Nhật Bản không còn có đủ số nhân viên trong dân số của mình. Châu Âu và Mĩ sẽ đối diện với vấn đề này trong vài năm nữa khi dân số lao động của họ sút giảm. Trong tương phản hoàn toàn, 76% dân số Ấn Độ và Trung Quốc là dưới 26 tuổi và họ sẽ là lực lượng lao động cực lớn có thể quản lí và vận hành nền kinh tế đang tăng trưởng của họ. Do vậy, cạnh tranh về công nhân kĩ năng cao là mãnh liệt sẽ còn trở nên mãnh liệt hơn trong tương lai gần.
Khi cạnh tranh tăng nhiệt, các nước đã phát triển sẽ phải tuyển nhiều công nhân. Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Jeff Immelt, CEO của GE đã nói: "Với tôi, toàn cầu hoá nghĩa là đem lại những người giỏi nhất và lỗi lạc nhất trên khắp thế giới. Chúng ta đang làm nó thành trí tuệ toàn cầu, đụng tới những bộ não giỏi nhất trên cơ sở toàn cầu. Công ty của chúng tôi đã thuê 50,000 kĩ sư bên ngoài Mĩ, và chúng tôi đang mở trung tâm phát triển lớn nhất thế giới ở Bangalore, India.” Gần đây hơn, hai công ty viễn thông lớn, Nortel và 3Com đã hình thành cộng tác với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, để dùng lực lượng lao động kĩ sư lớn của nó cho thiết kế và xây dựng các thiết bị viễn thông. Bằng việc tổ hợp tri thức và kĩ năng, Huawei tăng số bán của mình lên 57% bên ngoài Trung Quốc, với 15% thị phần ở châu Á và 9% ở Mĩ Latin. Công ty Mĩ lớn khác Proctor &Gamble nhận ra rằng mô hình kinh doanh nội bộ của mình (được thiết kế vào những năm 1980) không còn có thể duy trì sự tăng trưởng mà nó cần để duy trì trên đỉnh cho nên họ đã thuê hàng trăm nghìn kĩ sư từ khắp thế giới để làm việc cho họ, qua internet, trong khi những người này vẫn ở nước của họ. Ý tưởng này đang được nhiều công ty toàn cầu lớn chấp nhận như khái niệm về “công ty không tường.”
Nói tóm lại, ý tưởng then chốt trong bài giảng toàn cầu hoá này là về tri thức và kĩ năng, cái là kết quả của hệ thống giáo dục tốt. Đối với các nước đang phát triển, cải tiến giáo dục và đào tạo nên có ưu tiên cao nhất như chúng ta đã thấy trong bài học của lịch sử (Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Đài Loan). Bạn đã bao giờ hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc KHÔNG hội tụ vào cải tiến giáo dục? Bạn có thể tìm thấy câu trả lời ở Ghana, Zimbabwe, Congo, Sudan, Cameroon, Angola và Ethiopia (châu Phi) hay Nicaragua, Honduras, Guatemala, và Columbia (Trung Mĩ). Tất cả các nước này đều có tài nguyên thiên nhiên giàu có và nền kinh tế nông nghiệp mạnh nhưng đã không đầu tư nhiều vào giáo dục. Họ dựa trên thương mại nông nghiệp nhưng không có người có kĩ năng để quản lí nền kinh tế của mình, nhiều nước trở thành nạn nhân của thương mại và khai thác nước ngoài, làm nảy sinh chiến tranh, tội phạm và nghèo nàn.
Tác phẩm, tác giả, nguồn
- Tác phẩm: Xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu
- Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
- Wiki hóa: https://kipkis.com