Đối thoại khác ở Trung Quốc

Mùa hè này khi dạy ở Trung Quốc, tôi có nhiều cuộc đối thoại với các giáo sư và sinh viên đại học về hệ thống giáo dục hiện thời của họ. Theo tin tức của chính phủ, việc đăng tuyển vào đại học là cao hơn bao giờ, nhiều sinh viên tốt nghiệp và nhiều đại học tư đang mở ra để đáp ứng cho nhu cầu cao. Hiện thời Trung Quốc có nhiều sinh viên đại học hơn bất kì nước nào trên thế giới. Dường như là việc dịch chuyển sang xã hội tri thức đang làm ra nhiều tiến bộ ở đây. Tuy nhiên, có đôi điều tôi cũng quan sát được.

Một giáo sư nói với tôi: “Tôi vào đại học những năm 60, lúc đó là thời kì khó khăn. Có nhiều thay đổi và hỗn loạn nhưng chúng tôi đã đưa mọi nỗ lực vào học tập và tôi có thể nói rằng phần lớn sinh viên đại học trong những năm 60 và 70 đều là những người giỏi nhất. Chúng tôi đã không có đủ sách giáo khoa, chúng tôi đã không có máy tính, nhưng tất cả chúng tôi đều học tốt. Ngày nay sinh viên có mọi thứ. Họ có laptop và động cơ tìm để tìm ra bất kì thông tin nào họ cần. Họ có thư viện với điều hoà nhiệt độ và sách về bất kì chủ đề nào họ muốn. Họ có mọi thời gian để học tập mà không phải đi làm trong nông trại công xã nhưng ít người muốn học. Đó là điều thách đố nhất tôi đã thấy trong cả đời tôi. Ngày nay chúng tôi đang cho tốt nghiệp thế hệ mới những sinh viên ích kỉ, lười biếng và đòi hỏi, người thà tiêu tiền của bố mẹ họ hơn là làm bất kì cái gì tốt cho bản thân họ hay cho đất nước.”

Giáo sư khác đồng ý: “Sinh viên ngày nay không giống như 30 năm trước. Họ không đọc sách hay giúp đỡ cha mẹ họ mà dành phần lớn thời gian dán mắt vào tivi, máy tính cá nhân hay trò chơi video như Xbox hay Play-station. Họ không chơi thể thao ngoài trời mà chơi thể thao trong “thế giới ảo” của trò chơi video. Họ không có bạn để chơi hay nói chuyện mà chát với người lạ trong phòng chat ảo. Họ có nhiều “bạn” trong mạng xã hội của họ mà họ chưa bao giờ gặp mặt đối mặt. Họ đòi hỏi bố mẹ họ mua cho họ laptop mới nhất, iPhone, iPad mới nhất và vứt mọi thứ bị hỏng thay vì sửa chúng. Trong trường, họ không muốn hoc cái gì nhưng làm công việc tối thiểu để qua được kì kiểm tra. Nhiều người sao chép bài tập về nhà từ bạn bè hay gian lận thi cử. Họ không muốn nghĩ về tương lai của họ mà chỉ phản ứng với điều xảy ra cho họ.”

Một giáo sư khác nói thêm: “Không đọc nhiều, sinh viên trở nên lười và không muốn nghĩ nhiều. Tư duy phê phán tuỳ thuộc vào việc đọc và phân tích thông tin. Khi họ đọc, họ xử lí thông tin và suy nghĩ, điều làm cho não họ tích cực. Ngày nay sinh viên không đọc mà xem TV, DVD, YouTube, và phương tiện khác điều không đòi hỏi mấy suy nghĩ. Họ phản ứng nhiều hơn là chủ động do vậy khó cho họ nghĩ cái gì. Không suy nghĩ, họ sẽ không học mấy. Đó là lí do tại sao chúng tôi có các thế hệ sinh viên đại học có bằng cấp đấy nhưng không có tri thức.”

Là giáo sư thỉnh giảng tôi đã không gặp những vấn đề này. Tôi thấy rằng hầu hết sinh viên tham dự lớp mùa hè của tôi đều sáng dạ và siêng năng. Họ thích phương pháp dạy của tôi, điều chủ trương nhiều thảo luận trên lớp và ít đọc bài giảng. Họ ngưỡng mộ xu hướng công nghệ mới nhất và các câu chuyện tôi chia sẻ với họ. Họ thích blog của tôi vì nó được dịch sang tiếng Trung Quốc. Tôi dành nhiều thời gian cùng họ khi chúng tôi nói về nhiều điều. Các sinh viên thừa nhận rằng họ không đọc mấy như một số giáo sư đã nói cho tôi. Tuy nhiên điều ngạc nhiên nhất đối với tôi là khi họ đọc, họ chỉ theo dõi tin tức về các ngôi sao điện ảnh, ngôi sao nhạc rock hay biến cố thể thao hiện thời. Ít người đọc các tác phẩm cổ điển và không chú ý tới quá khứ lịch sử của họ . Khi tôi nhắc cho các cuốn sách như “Tam quốc chí” hay “Kinh Thi” họ tất cả đều lắc đầu không biết. Một sinh viên cười và hỏi: “Sao nhà khoa học máy tính như thầy mà lại đọc chuyện cho trẻ con như thế?” Họ nói rằng chỉ trẻ con mới thích nghe về các tiểu thuyết đó từ ông bà của chúng nhưng thanh niên không thích. Ít người biết về thơ của Đỗ Phủ, Tô Đông Pha, hay L‎ý Bạch và gần như không người nào biết gì mấy về Lão Tử, Mạnh Tử hay Vương Dương Minh. Một sinh viên giải thích: “Những người đó là quá khứ rồi và không ai muốn nhìn lại sau cả, chúng em đang sống trong thế kỉ 21 và chúng em phải nhìn lên trước. Tại sao một nhà khoa học như thầy người sống ở Mĩ lại chú ý tới cái gì đó xảy ra một thời gian lâu trước đây rồi?” Họ không muốn thảo luận về di sản của họ nhưng quan tâm tới việc biết nhiều về công nghệ như điều đang xảy ra ở thung lũng Silicon. Làm sao họ biết được rằng công nghệ mới nhất mà tôi dạy cho họ hôm nay, mà họ coi là có giá trị cao, sẽ lạc hậu đi trong vài năm nữa. Làm sao họ biết rằng di sản văn hoá của họ, rằng chúng không còn giá trị nữa, đã tồn tại kéo dài cả nghìn năm và có thể còn kéo dài mãi mãi, nếu họ biết cách gìn giữ nó?

Có bầu không khí năng động trong hầu hết các đại học. Đăng tuyển của sinh viên tăng lên đáng kể và hầu hết các trường nhà nước đều hết năng lực. Điều đó đó tạo ra cơ hội cho các đại học tư với giáo trình hấp dẫn, một số với chương trình được cấp phép từ các đại học phương tây hàng đầu và được dạy toàn bằng tiếng Anh. Những trường này đang trải qua tỉ lệ xin vào dâng lên, do kết nối quốc tế. Tất nhiên, họ tính nhiều tiền hơn, nhưng việc đăng tuyển của họ cao hơn nhiều so với các trường nhà nước. Một giáo sư nói với tôi: “Tương lai của giáo dục ở Trung Quốc sẽ thuộc về các trường tư. Họ có giáo sư giỏi hơn, chương trình đào tạo tốt hơn, và kết nối tốt hơn với công nghiệp, đặc biệt với các công ti quốc tế. Cũng giống như ở Mĩ, nơi đại học tư là tốt nhất. Vài năm từ giờ trở đi thầy có thể thấy một số đại học tư cạnh tranh trực tiếp với các trường nhà nước tốt nhất của chúng tôi.”

Nhiều trường hơn, chương trình đào tạo tốt hơn được coi là tạo ra sinh viên tốt hơn. Nhưng theo nhiều giáo sư, sinh viên ngày nay không biểu lộ việc tăng thêm trong tư duy phê phán, suy luận phức tạp và kĩ năng viết khi so sánh với vài năm trước. Nhiều giáo sư nói rằng động cơ của sinh viên thực tế sút giảm trong vài năm qua. Trong khi đó, theo một điều tra công nghiệp, chỉ một phần tư các sinh viên tốt nghiệp đại học là có các kĩ năng viết và nghĩ cần cho làm việc của họ. Với trên sáu triệu sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, khó tìm cho họ việc làm vì không có đủ việc có kĩ năng ở Trung Quốc. Đa số việc làm là ở trong khu vực chế tạo điều không yêu cầu bằng đại học. Đó là lí do tại sao Trung Quốc có số lớn người tốt nghiệp đại học thất nghiệp.

Đây là thế tiến thoái lưỡng nan cho chính phủ Trung Quốc. Trong nhiều năm họ đã đầu tư vào chế tạo để cung cấp việc làm cho số lớn người tới từ phía thôn quê với giáo dục tối thiểu. Trở thành “thủ đô chế tạo” của thế giới có ưu thế đem lại nhiều thu nhập qua xuất khẩu. Nó cho phép Trung Quốc xây dựng các thành phố hiện đại, đường xa lộ hiện đại, và kết cấu nền vận tải hiện đại. Ở mọi nơi bạn đi trong Trung Quốc, bạn thấy các toà nhà đang xây dựng và công viên công nghệ ở mọi nơi. Nó cung cấp việc làm cho hàng trăm triệu người khi họ rời bỏ làng mạc nông trại và đi tìm việc ở các thành phố. Con cái họ lớn lên trong các thành phố, vào trường ở các thành phố, và bây giờ nhiều người trong số họ sắp vào đại học. Vì Trung Quốc có “chính sách một con”, mọi bố mẹ đều tiết kiệm tiền cho giáo dục của con họ và vào đại học là một ước mơ lớn, ước mơ của việc con họ không phải làm việc trên đồng lúa hay trong cơ xưởng. Tuy nhiên, những đứa trẻ này lại không giống bố mẹ chúng. Chúng không hiểu sự hi sinh của bố mẹ chúng. Chúng không biết bố mẹ chúng phải lao động vất vả thế nào để tiết kiệm tiền cho giáo dục của chúng. Khi các bố mẹ làm việc 40 giờ hay tới 60 giờ trong cơ xưởng hay địa điểm xây dựng, nhiều người trong các con cái họ đang tận hưởng cuộc sống trong tiệm cà phê, cửa hàng trò chơi video, quán rượu, phòng khiêu vũ, rạp chiếu bóng v.v. Ngay cả một số vào đại học, ít người thực sự học được cái gì và tỉ lệ bỏ học là cao, cho dù trong một nền văn hoá coi giáo dục có ưu tiên cao.

Trong hàng nghìn năm, hệ thống giáo dục Trung Quốc không chỉ cung cấp cho sinh viên về tri thức, mà còn dạy họ trở nên có đạo làm con với bố mẹ, là người tốt của gia đình, là công nhân tốt cho xã hội, và là công dân tốt cho nước họ. Bằng cách nào đó hệ thống này bị phá vỡ. Cách tiếp cận trong giáo dục bây giờ là tập trung chủ yếu vào việc qua được các kì thi. Không có mấy bằng chứng về việc dạy cho sinh viên là con người có luân lí và trách nhiệm. Khi tôi hỏi về điều này, nhiều giáo sư lắc đầu và bảo tôi rằng những điều này không còn được dạy trong trường. Điều đó làm tôi ngạc nhiên vì Trung Quốc là trung tâm học tập theo truyền thống Khổng Tử nơi giáo dục đào tạo mọi người để ra quyết định đạo đức và tư duy hiệu quả, không chỉ vì bản thân người ta mà còn vì xã hội. Vài năm trước, đã có phong trào xét lại việc đào tạo để dạy về đạo đức và luân lí. Mục đích là để phát triển những người tốt nghiệp trung thực và chính trực để cho khi họ đi làm, vị trí nào họ giữ không thành vấn đề, họ sẽ không vi phạm luật hay gây tổn hại cho người khác vì ưu thế riêng của họ. Tuy nhiên, trong xã hội tăng trưởng nhanh nơi những thứ vật chất và lợi nhuận ngắn hạn được coi là có giá trị cao, một số người coi điều đó là phí thời gian nó nên nó đã bị bỏ đi.

Theo ý kiến riêng của tôi, chỉ đo cái vào, như đăng tuyển đại học cao mà chính phủ Trung Quốc đã làm là không đủ. Chính chất lượng của cái ra mới là quan trọng. Các đại học phải có khả năng cung cấp giáo dục cân bằng phục vụ cho điều tốt nhất của cả hai cách nhìn. Sinh viên cần được dạy về tri thức kĩ thuật những cả trách nhiệm và luân lí. Phải có cách nào đó để thưởng cho các trường thực tế cung cấp việc học có chất lượng. Phải có cách tốt hơn để lấy được dữ liệu để cho bản thân nhà trường có thể hình dung ra được cách họ đang làm trong so sánh với các cách khác. Cải tiến giáo dục bằng việc có nhiều trường hơn, nhiều chương trình hơn nhưng không chú ý tới chất lượng hay động cơ của sinh viên không phải là giải pháp tốt.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu
  • Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
  • Wiki hóa: https://kipkis.com