Dạy lớp học chủ động

Dạy lớp học chủ động

Một thầy giáo viết cho tôi: “Tôi đã từng dạy phương pháp đọc bài giảng truyền thống trong nhiều năm, nhưng tôi muốn đổi sang phương pháp học chủ động như được tả trong blog của thầy. Tôi không biết cách thiết kế lớp học bằng việc dùng phương pháp học chủ động. Xin thầy giúp cho.”

Đáp: Phương pháp đọc bài giảng truyền thống hội tụ vào THẦY GIÁO và cách dạy tài liệu cho học sinh. Việc học chủ động hội tụ vào HỌC SINH và cách họ học tài liệu. Dạy lớp học chủ động yêu cầu thầy giáo phải bắt đầu với những kết quả mong muốn về điều học sinh sẽ học. Nói cách khác, thầy giáo phải biết điều họ muốn học sinh học.

Để làm điều đó, thầy giáo phải thiết lập mục đích học tập cho môn học. Bạn muốn học sinh học cái gì và có khả năng làm gì sau khi học ở lớp? Học sinh phải đọc cái gì để mở rộng tri thức của họ? Học sinh phải phát triển kĩ năng gì? Sự kiện, khái niệm, và nguyên lí nào họ phải biết? Qui trình nào họ phải theo? Cái gì là quan trọng mà học sinh phải giữ lại sau khi hoàn thành môn học? Bằng việc trả lời những câu hỏi này, bạn có thể thiết kế tài liệu môn học.

Sau khi đã thiết kế tài liệu môn học tổng thể, bạn có thể tổ chức chúng thành các nhiệm vụ chi tiết hơn. Bạn nên phát triển tài liệu đọc hàng tuần, tài liệu bài giảng, bài tập, bài kiểm tra, câu hỏi kiểm tra, câu hỏi, chủ đề cho lớp thảo luận, tài liệu tranh cãi cho các hoạt động học tập của học sinh. Bạn sẽ cần xem xét điều sau: Làm sao họ có thể áp dụng được điều họ học vào phát triển các kĩ năng bạn muốn họ có? Bài tập nào họ cần để hiểu tài liệu, không chỉ ghi nhớ chúng. Bằng việc tổ chức tài liệu môn học theo nhiệm vụ hàng tuần, bạn có thể lập kế hoạch về cách dạy họ.

Sau khi có thiết kế môn học và kế hoạch theo tuần, bạn nên thẩm tra rằng học sinh đang học tri thức mà bạn muốn họ thu được. Bạn cần bằng chứng để đảm bảo rằng học sinh đang tiến bộ dần hướng tới mục đích học tập của môn học. Bằng việc phân tích các kết quả kiểm tra, các câu hỏi ngắn, bài tập về nhà v.v bạn có thể đảm bảo rằng họ đang học tài liệu mà bạn muốn học thu được. Chẳng hạn, nếu bạn muốn học sinh phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề, bạn có thể cho họ các vấn đề cần giải quyết và yêu cầu họ viết ra từng bước mà họ cần theo để giải quyết vấn đề, cũng như giải thích tại sao họ làm điều đó, thay vì chỉ cung cấp câu trả lời đúng.

Lớp học chủ động hội tụ vào việc đưa học sinh tham gia vào học một cách cá nhân và tập thể. Trong lớp điển hình nơi thầy giáo hỏi và học sinh trả lời, phần lớn mọi người trong lớp không có kinh nghiệm học chủ động. Nhưng nếu thầy giáo hỏi, cả lớp bắt đầu thảo luận với nhau rồi từng nhóm trình bày câu trả lời, điều dẫn tới nhiều thảo luận và tranh cãi hơn thì nhiều sinh viên đang được tham gia một cách chủ động vào việc học thực tại. Là thầy giáo, bạn có thể đo được tiến bộ bằng việc xem bao nhiêu học sinh đang tham gia vào thảo luận trên lớp, bao nhiêu bài trình này trên lớp được cho? Bạn bao giờ cũng có thể gọi tên các sinh viên nào đó nếu họ không tham gia hay yêu cầu các sinh viên nào đó trình bày bài cho lớp để chắc rằng họ đang học một cách chủ động.

Trong lớp học chủ động, học sinh phải đọc tài liệu trước khi tới lớp. Để chắc rằng họ đọc tài liệu, tôi thường cho những câu hỏi ngắn dựa trên việc đọc tài liệu vào lúc bắt đầu lớp. Mỗi câu hỏi ngắn được 10 điểm và được tính tới điểm chung kết.

Trong lớp học chủ động, việc dự lớp là phải có. Học sinh không thể học nếu họ không có mặt. Tôi thường cho 10 điểm với các học sinh tham dự lớp; những điểm này được tính vào điểm chung kết để làm nản lòng những học sinh bỏ lớp. Tham dự lớp không phải là về việc chỉ ở đó, mà họ phải lắng nghe, xử lí tài liệu môn học, đáp ứng với câu hỏi, và tham gia vào thảo luận trên lớp. Bằng việc cho điểm cho các học sinh tham gia; người trả lời các câu hỏi; người làm việc chăm chỉ để giải quyết vấn đề, bạn đang tạo ra một môi trường học tập mới nơi học sinh học một cách chủ động và chung cuộc, bạn sẽ thấy những kết quả học tập tuyệt vời bắt đầu xảy ra.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Lời khuyên về giảng dạy dành cho giáo viên
  • Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
  • Wiki hóa: https://kipkis.com