Lời khuyên cho năm mới/2

Lời khuyên cho năm mới phần 2

Khi các bạn tiến bộ trong nghề nghiệp chuyên môn, bạn cần nghĩ về đại học và các giáo sư của mình. Bạn mang nợ lớn với đại học và các giáo sư của bạn, những người nuôi dưỡng bạn và dạy bạn nền tảng kĩ thuật. Hãy hỗ trợ cho đại học của bạn bằng việc thỉnh thoảng về thăm trường để giữ liên hệ với khoa, nói chuyện với sinh viên, cho họ một số kinh nghiệm bạn đã thu được, khuyến khích họ tìm kiếm nghề nghiệp như bạn. Cả bạn và các sinh viên sẽ tìm ra được phần thưởng cá nhân này. Khi bạn làm điều đó, bạn sẽ thấy điều đó giúp cho đại học của bạn và sinh viên được thoả mãn còn nhiều hơn bạn có thể tưởng tượng, tôi đoan chắc vậy.

Một trong những lỗi lầm lớn nhất mà nhiều người phạm phải trong đời chuyên nghiệp của họ là nghĩ rằng ‘tốt nghiệp’ đại học nghĩa là giáo dục ‘chấm dứt’. Từ ‘tốt nghiệp’ không có nghĩa chấm dứt mà là bắt đầu của một chương mới trong cuộc sống. Đó là cách bạn phải kiểm điểm lại cam kết học tập của mình. Người kĩ sư thành công bao giờ cũng chấp nhận thái độ học cả đời. Ngày nay với tiến bộ của công nghệ, có nhiều cơ hội học tập sẵn có cho bạn tới mức không có cớ gì để không tiếp tục học. Những cơ hội này bao gồm các chương trình đào tạo ở công ti, các môn học trực tuyến, thông tin trực tuyến về các khu vực kĩ thuật, các website, blogs, hội hảo, xemina, v.v. Là nhà chuyên môn, bạn cần tham gia tích cực vào những công nghệ này để trưởng thành và học tập. Bạn cần gặp gỡ và học hỏi từ các kĩ sư, nhà nghiên cứu và nhà giáo dục có kĩ năng cao khác bằng việc tham dự các xemina, hội nghị. Bạn sẽ có cơ hội trình bày công trình riêng của mình hay để nó được xuất bản ở các tạp chí kĩ thuật. Khi bạn trưởng thành, bạn sẽ có khả năng đền đáp lại bằng việc giúp các kĩ sư khác. Chắc chắn việc tham dự các hội nghị, xemina chính, đặc biệt ở nước ngoài, sẽ có thể là khó khăn. Ngân sách đi lại, thời gian bỏ việc có thể giới hạn cơ hội của bạn nhưng bạn phải dành ra cho chúng bởi vì cơ hội của bạn sẽ tới.

Khi bạn thành công trong nghề nghiệp của mình, bạn cần nghĩ về gia đình mình và xã hội mình. Bạn mang nợ rất nhiều với cha mẹ và họ hàng, những người chăm nom tới bạn và hỗ trợ bạn qua nhiều năm. Ngày nay nhiều thanh niên tập trung quá đáng vào bản thân họ và quên mất gốc rễ và văn hoá của mình. Đây là sai lầm lớn vì điều bạn học, về kĩ thuật hay khoa học, sẽ thay đổi trong vài năm nhưng giá trị truyền thống như đạo làm con, sự kính trọng, lòng biết ơn, sự trung thành, nhân đạo và trách nhiệm đã tồn tại trong hàng nghìn năm không bao giờ thay đổi. Bạn phải chăm sóc bố mẹ mình; bạn phải chăm nom gia đình mình như họ đã từng chăm sóc bạn. Không phải bởi vì việc đó là việc tốt hay việc đạo đức mà đó là trách nhiệm. Bạn mang nợ nhiều với xã hội và khi bạn làm việc, bạn phải hiểu sự trung thực, luân lí và đạo đức. Xã hội tiến bộ là xã hội mà mọi người tiến hành kinh doanh với sự chính trực, và như một đơn vị bên trong nó bạn phải đóng góp cho nó bằng tính chính trực nhất của mình.

Một điều chung mà tôi hay nghe từ các kĩ sư trẻ là, "Mục đích của tôi là người quản lí." Điều đó là tốt nhưng bạn phải được chuẩn bị, là người quản lí KHÔNG phải là về cái danh hiệu mà là về trách nhiệm. Các kĩ sư cần nhận ra rằng người quản lí tốt là ai đó có kinh nghiệm và được đào tạo cho nên khuyến nghị của tôi là hội tụ vào việc mở rộng kĩ năng của bạn, lấy đào tạo thêm và học những điều mới. Là người quản lí tốt bạn cần nhiều điều hơn chỉ là kĩ năng kĩ thuật, bạn cũng cần kĩ năng nghiệp vụ, kĩ năng lãnh đạo và kĩ năng trao đổi và bạn sẽ phải có tính dự ứng trong quản lí nghề nghiệp của bạn để thành công. Trước khi là người quản lí, bạn cần hỗ trợ cho người quản lí trước hết, bởi vì bất kì người quản lí giỏi nào cũng đều muốn giúp bạn thành công, và đến lượt mình cũng bạn nên làm việc để làm cho người đó thành ông. Nhớ rằng người quản lí của bạn có thể đề nghị đề bạt bạn, xác định lương của bạn, đánh giá hiệu năng của bạn, và phân công cho bạn vào các công việc dự án. Do đó, việc hỗ trợ cho người quản lí của bạn là cách chắc chắn để nâng cao nghề nghiệp của bạn. Nếu bạn không kính trọng người quản lí hay nếu bạn cảm thấy không thoải mái với người đó, hãy đổi sang việc làm khác. Nhưng nhớ lỗi có thể là ở bên trong bạn, cho nên hãy xem xét lại phản ứng và động cơ của bạn một cách cẩn thận. Có lẽ một sự tự suy nghĩ thực sự hay điều chỉnh thái độ về phần bạn là cần thiết.

Mặc dầu không có công thức thần sẽ đảm bảo cho thành công của bạn trong nghề kĩ nghệ phần mềm, tôi nghĩ có những hành động xác định bạn có thể làm mà sẽ làm tăng đáng kể xác suất thành công của bạn. Tôi đã viết chúng ra trong blog của tôi và gợi ý rằng bạn nên để thời gian để kiểm điểm chúng và thảo luận chúng với bạn bè mình rồi đưa chúng vào trong thực hành nghề nghiệp của bạn. Điều quan trọng cần hiểu là khi tới lúc đánh giá bạn, người quản lí của bạn sẽ tìm ba yếu tố này.

  1. Tri thức kĩ thuật và kĩ năng kĩ nghệ. Mức độ rộng và sâu của tri thức và hiểu biết kĩ thuật của bạn và bạn áp dụng những điều này tốt đến đâu để cung cấp các ý tưởng và giải pháp sáng tạo để hỗ trợ cho nỗ lực nghiệp vụ?
  2. Tình thần làm việc tổ và quyền lãnh đạo. Bạn duy trì mối quan hệ tổ linh hoạt và hiệu quả thế nào trong việc hoàn thành các mục tiêu của tổ chức? Bạn trao đổi và lãnh đạo hiệu quả thế nào?
  3. Thực thi và năng suất. Bạn áp dụng tri thức, hiểu biết, đánh giá và sáng kiến thế nào qua nhiều bộ môn trong lập kế hoạch và thực hiện các chương trình để cho khách hàng của bạn có được kết quả đúng lúc và theo cách hiệu quả?

Tôi chúc bạn thành công rực rỡ trong nghề nghiệp của mình và chúc mừng năm mới.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Lời khuyên cho sinh viên
  • Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
  • Wiki hóa: https://kipkis.com

Có thể bạn muốn xem