Kiếm tiền
Một sinh viên đại học viết cho tôi: “Em muốn chọn một lĩnh vực học tập mà có thể giúp cho em kiếm ra nhiều tiền. Em sẽ làm bất kì cái gì để kiếm ra tiền. Có lĩnh vực học tập nào mà có thể làm ra nhiều tiền hơn kĩ nghệ phần mềm hay khoa học máy tính không? Em đã cân nhắc chọn kinh doanh hay tài chính nhưng theo blog của thầy, những lĩnh vực này không làm ra nhiều tiền nữa. Xin thầy lời khuyên.”
Đáp: Với tôi, dường như bạn bị ám ảnh với tiền nhưng bạn đã không nhận ra rằng tiền KHÔNG là mọi thứ. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có nhiều tiền mà không mạnh khoẻ? Bạn có thể đếm tiền khi bạn nằm trên giường bệnh không? Tôi không chắc về phát biểu của bạn “làm bất kì cái gì để kiếm ra tiền”; nó có nghĩa là bạn sẽ làm cái gì đó phi pháp hay cả điều vô đạo đức không? Bạn có thể ngủ ngon trong đêm mà không có sự trung thực cá nhân không? Bạn đã bao giờ hỏi tại sao bạn vào đại học không? Nếu câu trả lời chỉ là để "kiếm ra tiền" thì lời khuyên của tôi là thay vì đi học bạn nên mua vé xổ số.
Không cái gì làm tôi thất vọng hơn là sinh viên nói với tôi rằng họ vào đại học để kiếm tiền hay để được giầu có. Trước khi bạn ra quyết định về lĩnh vực học tập của bạn, bạn nên tự hỏi bản thân mình liệu có đáng vào đại học chỉ để kiếm tiền không. Điều gì sẽ xảy ra sau khi hoàn thành và có bằng cấp nhưng bạn không thể kiếm được tiền? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thậm chí không thể tìm được việc làm? Ai sẽ đảm bảo rằng bằng việc học cái gì đó bạn sẽ giầu? Bạn có bị thất vọng không? Bạn có định đổ lỗi cho ai đó không? Bạn có giận bản thân bạn không?
Bạn vào đại học là để được giáo dục. Giáo dục dại học KHÔNG phải là dạy bạn cách kiếm tiền. Giáo dục đại học dạy bạn là người có trách nhiệm cho bản thân bạn, cho gia đình bạn, xã hội bạn, và đất nước bạn. Bạn thu được tri thức và kĩ năng để đóng góp cho xã hội của bạn và đồng thời kiếm sống tốt cho bạn và gia đình bạn. Mục đích của giáo dục là phát triển công dân tốt có tri thức, đức hạnh, trung thực và nhân bản, người có thể đóng góp cho việc phát triển xã hội theo cách tích cực.
Một số người tin rằng tiền tương đương với hạnh phúc. Không suy nghĩ nghiêm chỉnh về nó, họ có thể hi sinh sức khoẻ, quan hệ, gia đình của họ cho các cơ hội làm tiền mà có thể chẳng bao giờ tới. Khi họ bị những thứ vật chất dẫn lái, họ từ bỏ những điều quí giá như thời gian mà họ có thể dành cho gia đình, người yêu của họ, và bạn bè họ. Chỉ khi sức khoẻ của họ suy đồi, họ mới có thể nhận ra là họ đã săn đuổi ảo tưởng nhưng đến lúc đó thì quá muộn rồi.
Tiền chỉ là công cụ trợ giúp cho bạn đạt tới cái gì đó nhưng nó không là nguồn hạnh phúc của bạn và dứt khoát không là mục đích của giáo dục. Là sinh viên đại học, bạn phải hội tụ vào việc là con người có trách nhiệm trước hết, khi bạn học nhiều và nghĩ sâu, bạn sẽ đột nhiên thấy rằng tiền không quan trọng như bạn nghĩ nó vậy.
Tác phẩm, tác giả, nguồn
- Tác phẩm: Lời khuyên cho sinh viên
- Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University.
- Wiki hóa: https://kipkis.com