Đối thoại về cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư

Theo một khảo cứu mới, trong vòng năm năm tới, quãng 68% các công ti sẽ áp dụng các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo là gì? (AI), Học máy, Thực tại ảo (VR) và Robotics để giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Nhiều người điều hành hàng đầu biết rằng họ phải đầu tư vào công nghệ nếu không sẽ có nguy cơ bị loại bỏ bởi đối thủ cạnh tranh của họ. Nhưng vấn đề là làm sao thay đổi nhanh chóng khi nhiều người trong số họ không quen thuộc với những công nghệ mới này?

Năm ngoái, khi tham dự một cuộc hội nghị ở châu Á, một quan chức điều hành hỏi tôi: “Điều chúng tôi cần là hiểu những công nghệ này và làm sao chúng giúp cho chúng tôi đạt tới ích lợi.” Người khác hỏi: “Liệu Thông minh nhân tạo (AI) là thực hay hư? Tất cả chúng tôi đều nghe nói về cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, nhưng thật khó phân biệt “cường điệu” và “sự kiện.” Chúng tôi cần câu trả lời đơn giản.”

Tôi giải thích: “Có nhiều giải thích khác nhau. Người hàn lâm có cách nhìn khác hơn nhà tư vấn kĩ thuật, và quan chức chính phủ thấy nó khác với người chủ doanh nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư có thể được giải thích như hợp lưu của nhiều công nghệ mà sẽ làm thay đổi nhiều thứ. Cứ tưởng tượng mọi công nghệ đang được dùng một cách tách rời, bây giờ được kết nối lại với nhau với sức mạnh xử lí khổng lồ và tốc độ lớn làm thay đổi mọi thứ. Cuộc cách mạng này có ba yếu tố then chốt: Tốc độ (tăng tốc theo hàm mũ), Phạm vi (mọi ngành công nghiệp đều sẽ bị tác động) và Chiều sâu (mọi nước, mọi mức độ) và đó là lí do tại sao nó là phân biệt với ba cuộc cách mạng trước. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất là về việc tạo ra động cơ hơi nước và thiết bị cơ khí để cải tiến năng suất cơ xưởng. Nó tác động chủ yếu vào các công ti chế tạo. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai là về phát minh ra điện và sản xuất số lớn dùng dây chuyền lắp ráp. Nó tác động chủ yếu tới các nước công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba là về điện tử và việc tạo ra công nghiệp máy tính. Nó tác động lên nhiều nước nhưng không phải tất cả. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư là tổ hợp của nhiều công nghệ để tác động lên mọi thứ, mọi nước, mọi mức độ, và nó xảy ra một cách toàn cầu và với tốc độ chưa hề có trước. Nó đang xảy ra bây giờ ở một số chỗ, nó có thể chưa xảy ra trên toàn thế giới, vì một số nước bị tác động nghiêm trọng hơn các nước khác. Tuy nhiên, mọi nước và mọi thứ sẽ sớm bị kéo vào trong xoáy lốc này.”

Một quan chức điều hành hỏi: “Tôi biết về robots và tự động hoá nhưng chúng thuộc vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba hay thứ tư? Tôi cần ví dụ về vận tốc, phạm vi và chiều sâu.”

Tôi giải thích: “Để chúng ta nhìn vào một trường hợp đơn giản: Uber, công ti khởi nghiệp tác động đến toàn thể ngành công nghiệp vận tải. Công ti này đang phá huỷ công nghiệp taxi truyền thống. Nó sẽ sớm thay đổi công nghiệp xe tải và tác động lên mọi công ti vận tải (Phạm vi). Công ti này không sở hữu một chiếc xe nào, nhưng nó có hàng triệu xe sẵn có cho vận tải (Chiều sâu). Uber là một ví dụ về sự hợp lưu của nhiều công nghệ và kinh doanh để đột phá công nghiệp vận tải, và nó đang lan toả khắp thế giới (Tốc độ và Chiều sâu). Công ti này chỉ bắt đầu quãng năm năm trước, nhưng tác động của nó đã có thể được cảm thấy ở nhiều nước. Nếu ông nhìn vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất, phải mất hơn một trăm năm cho động cơ hơi nước được chấp nhận từ chỗ này sang chỗ khác. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai mất năm mươi năm để điện thay thế cho động cơ hơi nước. Nhưng chỉ mất ba mươi năm cho ngành công nghiệp điện tử và máy tính xảy ra ở nhiều nước. Internet chỉ mới hai mươi tuổi, và iPhone chỉ mới mười tuổi, nhưng cả tỉ người đang dùng chúng. Bây giờ nhìn vào Uber, mới năm năm mà nó đã tác động tới toàn thể ngành công nghiệp cho nên ông có thể trải nghiệm thay đổi này nhanh thế nào. Xe của Uber chỉ mới bắt đầu cuộc đột phá; công ti này sẽ sớm dùng xe “tự lái” cho vận tải. Ông có thể hình dung nó sẽ có tác động bao nhiêu không?”

Một quan chức điều hành nói: “Nhưng Uber chỉ tác động tới vận tải. Công ti của tôi trong tài chính, làm sao Uber có thể tác động vào kinh doanh của tôi được?”

Tôi giải thích: “Khi công nghệ tự lái đang được tạo ra, bao nhiêu công ti xe hơi sẽ xây dựng “xe tự lái?” Nếu họ làm, họ sẽ cần tiền để đầu tư vào cơ xưởng và kinh doanh mới. Họ phải vay tiền từ ngân hàng, và điều đó sẽ tác động tới công nghiệp ngân hàng. Ngân hàng có muốn cho những công ti xe hơi này vay tiền hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu những công ti này thất bại? Có rủi ro trong kinh doanh mới cho nên một số ngân hàng có thể làm kinh doanh với các công ti xe hơi nhưng số khác có thể không, nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng tới cách công nghiệp ngân hàng làm kinh doanh. Công ti bảo hiểm sẽ phải quyết định về cách họ có bảo hiểm cho xe không người lái? Điều gì sẽ xảy ra khi tai nạn xuất hiện? Ai phải chịu trách nhiệm? Người chủ xe hay công ti xe? Hay phần mềm trên xe tự lái? Điều đó cũng tác động lên ngành công nghiệp bảo hiểm. Làm sao chính phủ ban hành qui chế về xe tự lái? Họ phải thông qua luật nào? Điều đó cũng tác động tới chính phủ. Mọi người phản ứng với công nghệ này thế nào? Cái gì sẽ xảy ra cho người lái xe taxi khi họ không có việc làm? Cái gì sẽ xảy ra cho công ti xe hơi không xây dựng xe tự lái? Cái gì sẽ xảy ra cho công nghiệp xe tải? Cái gì sẽ xảy ra khi nhiều người đột nhiên trở nên thất nghiệp vì công nghệ này?”

Một quan chức điều hành hỏi: “Nhưng cái gì xảy ra nếu chúng tôi không dùng những công nghệ này?” Tôi bảo ông ấy: “Cách mạng công nghiệp thứ tư sẽ làm thay đổi mọi thứ dù ông thích hay không thích. Ông có thể nói nó đã không xảy ra ở nước ông bây giờ nhưng nó sẽ xảy ra sớm thôi. Cách tốt nhất là học về nó, hiểu nó, và thực hiện các công nghệ cần thiết để duy trì tính cạnh tranh. Để làm điều đó, ông cần thuê nhiều người kĩ thuật hơn, đặc biệt người mới tốt nghiệp vì họ có những kĩ năng mới nhất, người có thể giúp ông nhận diện công nghệ đúng để thực hiện. Ngày nay công nghệ là chiến lược mấu chốt cho mọi doanh nghiệp. Ông cần có người kĩ thuật có kĩ năng cao để hỗ trợ cho ông giải quyết với các vấn đề của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư này.”

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Xu hướng công nghệ
  • Nguồn: Blog của giáo sư John Vu, Carnegie Mellon University
  • Wiki hóa: https://kipkis.com