Cấu trúc của hoạt động dạy học
Hoạt động dạy học của người thầy là hệ thống các hành động để tổ chức điều khiển Hoạt động học của HS (Nguyễn Lăng Bình, 2010).
Mục lục
Cấu trúc của mỗi hoạt động dạy học
Cấu trúc của mỗi hoạt động dạy học gồm có 04 thành tố sau đây:
- Mục tiêu: Mục tiêu hoạt động được hiểu là những hành động học tập của HS nhằm đạt được về kiến thức, kĩ năng và hành vi, thái độ.
- Nội dung: Nội dung hoạt động là những công việc/nhiệm vụ cụ thể mà HS phải thực hiện để khám phá, chiếm lĩnh tri thức, vận dụng và giải quyết vấn đề học tập.
- Sản phẩm: Sản phẩm hoạt động là những kết quả mà HS đã tìm ra, giải quyết được và được trình bày/trưng bày theo gợi ý hoặc theo sự sáng tạo của HS.
- Tổ chức thực hiện: Tổ chức thực hiện hoạt động là những hành động cụ thể của GV và HS trong mối quan hệ tương tác đan xen, nhằm hiện thực hóa các nội dung và sản phẩm của hoạt động dạy học. Gồm 4 bước:
- Chuyển giao nhiệm vụ: Chuyển giao nhiệm vụ là bước quan trọng nhất trong tiến trình dạy học, do đó, GV cần gia công sư phạm, lựa chọn hoặc thiết kế học liệu (thông tin dạng chữ/dạng hình kèm theo những yêu cầu trả lời/giải thích…) có giá trị định hướng, tạo động cơ, khích lệ HS (Bộ GD-ĐT, 2020). Và khi giao nhiệm vụ học tập cho HS, cần sử dụng câu lệnh rõ ràng, thời gian, hình thức thực hiện nhiệm vụ cụ thể.
- Thực hiện nhiệm vụ: Khi HS thực hiện các nhiệm vụ học tập theo yêu cầu, hướng dẫn, GV quan sát, hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ học tập của HS nếu cần.
- Báo cáo, thảo luận: Tổ chức HS báo cáo, thảo luận cần sử dụng đa dạng và linh hoạt các hình thức sao cho HS được thể hiện tốt nhất những kiến thức, kĩ năng của mình và đảm bảo sự thu hút cao nhất đối với tất cả HS.
- Kết luận, nhận định: GV không chỉ rút ra kết luận, nhận định về sản phẩm của hoạt động học tập mà cần quan tâm đánh giá tinh thần, thái độ, kĩ năng học tập, kĩ năng làm việc nhóm của HS. Và không chỉ là kết luận, nhận định của GV, mà HS cũng cần tự rút ra những kết luận, nhận định về quá trình học tập của bản thân, của bạn học để hình thành kĩ năng khái quát hóa, kĩ năng phê và tự phê ở HS.Trong đó,
Cách xác định nội hàm các thành tố cấu trúc của hoạt động học
Để xây dựng nội dung cho các thành tố cấu trúc của hoạt động dạy học, cần xác định được nội hàm của mỗi thành tố đó. Xác định đúng, đầy đủ nội hàm của mỗi thành tố cấu trúc đó bằng cách viết câu trả lời cho các câu hỏi theo bảng gợi ý sau:
Bảng 1. Cách xác định nội hàm các thành tố cấu trúc của hoạt động học
Thành tố cấu trúc | Trả lời cho câu hỏi |
a) Mục tiêu | HS thực hiện hoạt động này nhằm đạt được kiến thức, kĩ năng, hành vi, thái độ nào? |
b) Nội dung | HS làm gì? Làm với ai? Làm như thế nào? |
c) Sản phẩm | Sản phẩm HS tạo ra/làm ra trong hoạt động này là gì? Như thế nào? |
d) Cách thực hiện | |
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ | - GV giao học liệu/nhiệm vụ gì cho HS? Giao như thế nào?
- GV yêu cầu HS làm gì? Làm với ai? Làm như thế nào? |
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ | - HS thực hiện yêu cầu/nhiệm vụ như thế nào? Thực hiện với ai? Nhằm đạt mục đích gì?
- GV làm gì? Làm như thế nào khi HS thực hiện nhiệm vụ học tập? |
Bước 3: Báo cáo, thảo luận | HS báo cáo, thảo luận theo hình thức nào? |
Bước 4: Kết luận, nhận định | Kết luận, nhận định về những vấn đề gì? (Về sản phẩm học tập; tinh thần, thái độ học tập của cá nhân/nhóm HS). |
Nguồn
- Tham khảo: THIẾT KẾ VÀ TỔ CHỨC CHUỖI HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC HỌC SINH TRONG DẠY HỌC “CẢM ỨNG Ở THỰC VẬT” (CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MÔN SINH HỌC 2018); Tạp chí Giáo dục, Số 512 (Kì 2 - 10/2021), tr 17-23
Xem thêm
- Các bước tổ chức thực hiện một hoạt động học
- Một số kinh nghiệm tổ chức hoạt động học trên lớp trong dạy học cấp trung học#Phụ lục