Khuyết tật về sự phát triển là gì?
Ở đây, khuyết tật phát triển được giải thích dựa vào quy định trong "Luật trợ giúp người khuyết tật phát triển của Nhật Bản".
Việc biết được trẻ em khuyết tật được phân loại vào nhóm nào là rất quan trọng, nhưng hiểu biết về cách ứng phó có hiệu quả dựa trên đặc tính cơ bản của sự khuyết tật đó còn quan trọng hơn.
Mục lục
1. LD (Khuyết tật học tập: Learning Disabilities)
LD chỉ tình trạng trẻ không chậm phát triển về mặt trí tuệ nói chung, nhưng trong các năng lực như nghe, nói, đọc, viết, tính toán, suy luận thì thể hiện sự khó khăn trông thấy đối với việc học tập và sử dụng các đồ vật nhất định.
Nguyên nhân được cho là có khuyết tật chức năng nào đó ở hệ thần kinh trung ương như não bộ. Các khuyết tật như khuyết tật thị giác, yếu tố môi trường không phải là nguyên nhân trực tiếp.
2. ADHD (Tăng động giảm chú ý: Attention - Deficit/Hyperactivity Disorder)
ADHD là khuyết tật trong năng lực chú ý và tính hiếu động theo độ tuổi hoặc là khuyết tật của hành động có cả hai đặc trưng này, gây khó khăn cho việc học tập và hoạt động xã hội. Triệu chứng được biểu hiện trước khi trẻ 7 tuổi và tình trạng đó sẽ tiếp tục. Người ta cho rằng nguyên nhân là do chức năng nào đó ở hệ thần kinh trung ương như não bộ gặp vấn đề.
3. Tự kỷ
Chứng tự kỷ thường được biểu hiện ra trước khi trẻ lên 3 tuổi, là khuyết tật hành động với đặc trưng là sự khó khăn trong hình thành mối quan hệ xã hội với người khác, chậm phát triển ngôn ngữ, có mối quan tâm, hứng thú hẹp và rất nhạy cảm với những thứ nhất định nào đó. Người ta cũng cho rằng, nguyên nhân của khuyết tật này là do chức năng nào đó ở hệ thần kinh trung ương như não gặp vấn đề.
Trong các chứng tự kỷ, người ta gọi chứng tự kỷ không đi kèm với sự chậm phát triển trí tuệ là "tự kỷ chức năng cao". Bên cạnh đó, chứng bệnh Hội chứng rối loạn tự kỷ (Asperger Syndrome) cũng có đặc trưng thể hiện ở sự khó khăn trong hình thành mối quan hệ xã hội với người khác, có mối quan tâm và hứng thú hẹp, có sự nhạy cảm đặc biệt với những vật nhất định nhưng nó không đi kèm với sự chậm phát triển về trí tuệ và ngôn ngữ.
- Người ta cũng gọi chung các khuyết tật có đặc trưng trùng khớp với chứng tự kỷ là khuyết tật phát triển ở nghĩa rộng hay Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (Autistic Spectrum Disorder)(*).
Tác phẩm, tác giả, nguồn
- Tác phẩm: Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản
- Tác giả: Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản
- Dịch giả: Nguyễn Quốc Vương
- Nhà xuất bản Phụ nữ
- Wiki hóa: https://kipkis.com