Các phẩm chất ý chí của nhân cách

Trong quá trình thực hiện những hành động có ý chí, những phẩm chất ý chí của con người được hình thành. Những phẩm chất này vừa đặc trưng cho cá nhân với tư cách là một nhân cách, vừa có ý nghĩa to lớn cho đời sống và lao động của họ. Có những phẩm chất ý chí làm cho con người trở nên tích cực hơn, có những phẩm chất ý chí giúp con người kìm hãm hành động của mình khi cần thiết.

Dưới đây là một số phẩm chất ý chí cơ bản của nhân cách.

1. Tính mục đích

Đây là một phẩm chất rất quan trọng của ý chí, giúp con người điều chỉnh hành vi hướng vào mục đích tự giác. Tính mục đích của ý chí phụ thuộc vào thế giới quan, nội dung đạo đức và tính giai cấp của nhân cách mang ý chí.

2. Tính độc lập

Đó là phẩm chất ý chí cho phép con người có khả năng quyết định và thực hiện hành động theo những quan điểm và niềm tin của mình, không bị chi phối bởi những tác động bên ngoài.

Tuy nhiên, tính độc lập của ý chí không có nghĩa là sự bảo thủ, bưóng bỉnh, chống lại sự ảnh hưởng từ bên ngoài, bất luận đúng hay sai.

3. Tính quyết đoán

Đó là khả năng đưa ra những quyết định kịp thời, dứt khoát trên cơ sở tính toán, cân nhắc kỹ càng, chắc chắn. Con người quyết đoán là con người tin tưởng sâu sắc rằng mình phải làm như thế này, mà không thể làm như thế khác được. Tiền đề của tính quyết đoán là trình độ trí tuệ và sự dũng cảm. Người quyết đoán luôn luôn hành động có suy nghĩ, dũng cảm, nhanh nhạy, đúng lúc, không dao động và hoài nghi.

4. Tính bền bỉ (kiên trì)

Phẩm chất bền bỉ của ý chí được thể hiện ở sự khắc phục những khó khăn, trở ngại, khách quan và chủ quan để đạt được mục đích đã để ra.

Tính bền bỉ không có nghĩa là sự lì lợm, bướng bỉnh theo đuổi mục đích mù quáng, mà là sự theo đuổi mục đích đã được ý thức rõ ràng với sự năng động của trí tuệ và tình cảm trong quá trình thực hiện mục đích.

5. Tính tự chủ

Đó là khả năng và thói quen kiểm tra hành vi làm chủ bản thân, kìm hãm những hoạt động cho là không cần thiết hoặc có hại trong những trường hợp cụ thể.

Các phẩm chất ý chí của nhân cách nói trên luôn luôn gắn bó hữu cơ với nhau, hỗ trợ cho nhau, tạo nên ý chí cao của con người. Các phẩm chất ý chí được thể hiện trong các hành động ý chí.

Nguồn

  • Giáo trình Tâm lý học đại cương; GT-TS Nguyễn Quang Uẩn (Chủ biên) - TS. Nguyễn Văn Lũy - TS. Đinh Văn Vang

Có thể bạn muốn xem