Kỹ thuật làm mẫu

Bằng cách làm mẫu trực tiếp, giáo viên cung cấp cho học sinh ví dụ rõ ràng về một kỹ năng hoặc một thủ thuật nào đó. Nói to suy nghĩ của mình là một cách để giáo viên làm mẫu những loại tư duy phức tạp.

Thế nào là giáo viên làm mẫu?

Làm thế nào để học sinh biết chúng ta kỳ vọng điều gì ở các em? Bằng cách làm mẫu trực tiếp, giáo viên cung cấp cho học sinh ví dụ rõ ràng về một kỹ năng hoặc một thủ thuật nào đó. Giáo viên đưa ra một cấu trúc mẫu để hướng dẫn học sinh bằng cách:

  • Mô tả kỹ năng hoặc thủ thuật đó;
  • Mô tả rõ ràng các đặc điểm của thủ thuật đó, hoặc các bước thực hiện kỹ năng;
  • Chia kỹ năng thành từng phần dễ tiếp thu;
  • Mô tả/làm mẫu sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau;
  • Cuốn hút học sinh vào việc học tập bằng cách thể hiện lòng nhiệt tình, giữ nhịp độ vừa phải, đặt các câu hỏi có chất lượng, và kiểm tra sự tiếp thu của học sinh

Giáo viên cần phải mô tả rõ khái niệm, sau đó làm mẫu kết quả cần đạt, vừa nói to lên những suy nghĩ của mình vừa sử dụng các kỹ thuật giảng dạy qua hình ảnh, âm thanh, tiếp xúc, và/hoặc vận động. Giáo viên có thể đưa ra ví dụ để giúp học sinh thấy rõ các mục tiêu và thường xuyên ngừng lại để học sinh đóng góp ý kiến hoặc nêu câu hỏi. Phương pháp làm mẫu giúp cho việc tương tác giữa giáo viên và học sinh đạt hiệu quả cao hơn.

Image: Internet

Vận dụng vào lớp học của bạn

Chiến thuật làm mẫu trực tiếp của giáo viên có thể được sử dụng ở mọi cấp lớp và mọi môn học. Để làm mẫu thành công, giáo viên cần lập kế hoạch chu đáo. Để việc làm mẫu được hiệu quả, cần thưc hiện các bước sau:

  1. Đảm bảo học sinh có kiến thức căn bản phù hợp và các kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc được giao.
  2. Chia kỹ năng thành từng phần nhỏ dễ tiếp thu.
  3. Đảm bảo nội dung kỹ năng phù hợp với cấp lớp sử dụng.
  4. Sử dụng các phương pháp truyền đạt bằng hình ảnh, âm thanh, vận động và tiếp xúc để minh họa các phần quan trọng của khái niệm/kỹ năng.
  5. Nói to suy nghĩ của mình trong từng bước làm mẫu.
  6. Chỉ ra những mối liên hệ quan trọng giữa các bước.
  7. Kiểm tra sự tiếp thu của học sinh trong suốt quá trình làm mẫu và thực hiện lại những bước có thể khó hiểu đối với học sinh.
  8. Đảm bảo nhịp độ phù hợp để mọi học sinh có thể theo kịp mà không nhàm chán hoặc mất tập trung.
  9. Làm mẫu khái niệm/kỹ năng nhiều lần nếu cần để học sinh có thể tự mình thực hiện sau này.
  10. Tạo nhiều cơ hội cho học sinh được đặt câu hỏi và được trả lời để làm rõ vấn đề.

Khoảng thời gian cần thiết để làm mẫu một khái niệm hoặc kỹ năng phụ thuộc vào mức độ công việc mà học sinh được yêu cầu thực hiện. Một số kỹ năng chỉ cần làm mẫu trong vài phút, trong khi các kỹ năng phức tạp khác có thể cần khá nhiều thời gian. Điều quan trọng là giáo viên phải xác định rõ từ trước là mình muốn học sinh nắm được những gì từ việc làm mẫu, đảm bảo rằng học sinh nắm được yêu cầu và kỳ vọng của giáo viên khi các em tự thực hiện nhiệm vụ. Làm rõ các kết quả cần đạt trước khi làm mẫu giúp việc đánh giá mang tính xây dựng và chính xác hơn.

Các bước thực hiện làm mẫu của giáo viên

Nói to suy nghĩ

Đây là một cách để giáo viên khiến cho những suy nghĩ của mình trở nên “trực quan” với học sinh. Giáo viên làm mẫu một kỹ năng hoặc thủ thuật bằng cách nói to những suy nghĩ của mình ở từng bước. Đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến trong suốt quá trình làm mẫu để học sinh suy nghĩ về quan điểm của mình là một khâu quan trọng của hoạt động này. Nói to suy nghĩ của mình là cách hiệu quả để làm mẫu các kỹ năng tư duy cho học sinh để các em có thể “thấy” được những gì diễn ra trong đầu giáo viên khi lắng nghe một câu chuyện, học một kỹ năng mới hoặc hiểu sâu hơn về một khái niệm mới.

Ví dụ

Giáo viên: Khi cô đọc câu chuyện về những người nhập cư đến Hoa Kỳ, cô không thể tin được những gì họ đã phải chịu đựng trên tàu. Cô sẽ sợ lắm khi phải rời bỏ gia đình. Cô nghĩ là họ phải thực sự dũng cảm lằm mới làm được như vậy. Cô cũng rất háo hức được đến Tân Thế Giới và thấy một nơi hoàn toàn mới. Cô đoán rằng cậu bé trong câu chuyện này sẽ đến được Hoa Kỳ và gặp được chú của mình. Cô nghĩ là khi đến được Hoa Kỳ cậu bé sẽ thích nơi đó. Khi viết vào sổ ghi chép của mình hôm nay, cô sẽ viết về lũ chuột cống và làm sao cô và mọi người ăn được bánh mì thiu và uống nước lã khi ở trên tàu. À, cô cũng sẽ viết về cảm giác nhớ gia đình của cô như thế nào và sẽ kể về việc cô đã khổ sở như thế nào để ngủ được trên con tàu đang chòng chành. Cô không biết liệu mình có thể đến được Hoa Kỳ hay không? Vì cô biết rằng một số con tàu đã không thể đến được tới bến. (Giáo viên cần phải vừa đọc to suy nghĩ của mình, vừa viết những câu này trên khung giấy để học sinh làm theo).

Hướng dẫn của giáo viên: Sau khi làm mẫu, yêu cầu học sinh nêu câu hỏi và đưa ra ý kiến. Hướng dẫn rõ ràng để học sinh đọc và viết vào sổ ghi chép, kiểm tra mức độ tiếp thu của học sinh bằng cách gọi 1-2 em trình bày lại những hướng dẫn đó theo cách hiểu của mình, và sau đó để học sinh tự làm việc độc lập.

Nguồn

Có thể bạn muốn xem