Hành động tự động hóa là gì?
Hành động tự động hoá là hành động vốn lúc đẩu là hành động có ý thức, có ý chí, nhưng do lặp lại nhiều lần hoặc do luyện tập mà về sau trở thành tự động, nghĩa là không cần có sự kiểm soát trực tiếp của ý thức mà vẫn được thực hiện có kết quả.
Ví dụ: Khi mới tập đánh máy thì việc đánh máy là một hành động có ý thức, thị giác của ta vừa tập trung vào bàn phím, vừa tập trung vào màn hình. Khi đã thành thạo rồi, ta không cần phải nhìn vào bàn phím, màn hình nữa mà mọi thao tác vẫn diễn ra một cách chính xác, nghĩa là hành động đã trở nên tự động hoá.
Có hai loại hành động tự động hoá: Kỹ xảo và thói quen. Kỹ xảo là hành động tự động hoá được hình thành một cách có ý thức, nghĩa là hành động tự động hoá nhờ luyện tập. Còn thói quen là loại hành động tự động ổn định, trở thành nhu cầu của con người.
- Hành động kỹ xảo có những đặc điểm sau:
- Không có sự kiểm soát thường xuyên của ý thức, không cần sự kiểm tra bằng thị giác.
- Động tác mang tính chất khái quát, nhuần nhuyễn, không có động tác thừa, kết quả cao, ít tốn kém năng lượng thần kinh và bắp thịt.
- Thói quen cũng là một hành động tự động hoá, song nó có nhiều điểm khác với kỹ xảo.
Kỹ xảo | Thói quen |
---|---|
+ Mang tính chất kỹ thuật.
+ Ít gắn với tình huống. + Có thể bị mai một nếu không thường xuyên luyện tập, củng cố. + Con đường hình thành chủ yếu của kỹ xảo là luyện tập có mục đích và có hệ thống. + Được đánh giá về mặt kỹ thuật thao tác: có kỹ xảo mới tiến bộ; có kỹ xảo cũ lỗi thời |
+ Mang tính chất nhu cầu, nếp sống.
+ Luôn gắn vài tình huống cụ thể. + Bền vững, ăn sâu vào nếp sống. + Hình thành bằng nhiều con đưòng khác nhau, kể cả con đường tự phát. + Được đánh giá về mặt đạo đức: có thói quen tốt, thói quen xấu; có thói quen có lợi, có thói quen có hại |
Nguồn
- Giáo trình Tâm lý học đại cương; GT-TS Nguyễn Quang Uẩn (Chủ biên) - TS. Nguyễn Văn Lũy - TS. Đinh Văn Vang