Chú ý là gì?
Môi trường xung quanh luôn có vô vàn sự vật tác động đến con người. Con người không thể tiếp nhận và xử lý chính xác tất cả mà chỉ thực hiện được một số quan hệ nào đó mà thôi. Vì vậy, ý thức của con người phải lựa chọn và tập trung vào quan hệ nào đó, đối tượng hay thuộc tính nào đó của đôi tượng để hoạt động có kết quả. Hiện tượng đó gọi là chú ý.
Chú ý là sự tập trung của ý thức vào một hay một nhóm sự vật hiện tượng để định hướng hoạt động, đảm bảo điều kiện thần kinh - tâm lý cần thiết cho hoạt động tiến hành có hiệu quả.
Chú ý được xem như là một trạng thái tâm lý "đi kèm" với các hoạt động tâm lý khác, giúp cho hoạt động đó đạt kết quả.
Ví dụ: Chú ý đi kèm với hoạt động nhận thức: chăm chú nhìn, lắng tai nghe, tập trung suy nghĩ... Đối tượng của chú ý là đối tượng của hoạt động mà nó đi kèm. Vì thế, chú ý được coi là "cái nền", "cái phông", là điều kiện của hoạt động có ý thức, chú ý được ví như cánh cửa duy nhất mà qua đó những gì của thế giới khách quan nhập vào tâm hồn con người.
Nguồn
- Giáo trình Tâm lý học đại cương; GT-TS Nguyễn Quang Uẩn (Chủ biên) - TS. Nguyễn Văn Lũy - TS. Đinh Văn Vang